Theo số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây. Riêng lĩnh vực bất động sản (BĐS), thu hút thêm 1,1 tỷ USD vốn đầu tư.
Kỳ vọng lớn
Trong 4 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS tiếp tục đứng thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài FDI (sau lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo), với tổng số vốn 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng số vốn đầu tư và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hong Kong và Singapore là hai quốc gia - vùng lãnh thổ có đứng đầu về vốn đầu tư vào BĐS tại Việt Nam, tiếp theo là Hàn Quốc. Trong khi đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đứng đầu về số lượng dự án và vốn đầu tư.
Theo Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng, năm 2019 hứa hẹn sẽ là năm thị trường BĐS đón nguồn vốn ngoại chảy mạnh vào đầu tư. “Nhà đầu tư đang rất yên tâm khi đưa vốn vào Việt Nam, trước hết là sự ổn định về thể chế chính trị, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Cùng với đó là việc chính quyền từ Trung ương đến các địa phương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư để kiện toàn hệ thống hạ tầng đô thị, xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh... đây là cơ sở để các doanh nghiệp bắt tay khai thác thị trường đầy tiềm năng này” - bà Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Từ năm 2014, thị trường BĐS bắt đầu hồi phục trở lại và đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, là một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng theo đánh giá, thị trường BĐS vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự phát triển lệch về các phân khúc, thiếu nhà ở giá rẻ cho đại bộ phận người dân, giá trị BĐS vẫn cao so với thu nhập...
Trong khi các nguồn vốn đầu tư đang tiếp tục được “chảy” mạnh vào thị trường, Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp nhằm đưa hoạt động kinh doanh BĐS đi vào quy củ. Cuối tháng 3/2019, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTG về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê... “Theo dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng 70% dân số Việt Nam sinh sống tại các khu vực đô thị, cùng với chính sách mở của Chính phủ đang tạo ra nhiều kỳ vọng mới cho thị trường BĐS” - bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Sự lệch pha giữ các sản phẩm trên thị trườn BĐS vẫn sẽ tiếp diễn.
Nhiều thách thức
Ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, đến thời điểm hiện tại nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường BĐS tương đối lớn và tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Việc thu hút được lượng lớn vốn ngoại đã minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường, nhưng bên cạnh đó là không ít những thách thức nảy sinh. “Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất khi nguồn vốn ngoại đổ vào đầu tư đó là vấn đề đầu cơ, thông qua các thương vụ mua bán, chuyển nhượng các dự án BĐS trên thị trường, nhiều nhà đầu tư sẽ dựa đó làm cơ sở để phục vụ mục đích chiếm dụng” - ông Vinh nhận định.
Thời gian gần đây, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã siết chặt tín dụng BĐS, nhưng luồng vốn đầu tư vào thị trường BĐS vẫn tăng trưởng mạnh, tồn kho BĐS xuống thấp sau nhiều năm ở mức cao.
Năm 2018, rất nhiều dự án BĐS giá rẻ, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội bị ngưng trệ do thiếu vốn, dẫn đến việc mất cân bằng giữa cung và cầu. Theo đánh giá, năm 2019 mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để bổ sung nguồn cung từ các dự án BĐS giá rẻ, nhưng tình trạng mất cân đối này vẫn sẽ tiếp diễn, các sản phẩm cao cấp, trung cấp vẫn chiếm phần lớn trên thị trường, đây cũng được xem là thách thức không nhỏ.