Condotel là căn hộ du lịch không phải là nhà ở
Trao đổi tại hội thảo: "Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019" diễn ra sáng nay (15/5), đánh giá về thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong đó loại hình condotel (căn hộ khách sạn), ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng năm 2018 thị trường không sôi động bằng năm 2017.
Vấn đề về cơ sở pháp lý cho condotel là một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo. Theo vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nếu nói cơ sở pháp lý của condotel chưa rõ ràng là chưa đúng.
“Đến nay vấn đề về pháp lý cho condotel đã rõ ràng hơn rất nhiều so với các năm trước chỉ có điều các quy định chưa đầy đủ. Phải xác định rằng condotel là căn hộ du lịch chứ không phải nhà ở” – ông Khởi nói.
Loại hình condotel đã phát triển bùng nổ trong 3 năm qua nhưng đến nay Bộ Xây dựng vẫn “nợ” quy chuẩn tiêu chuẩn condotel (Ảnh minh họa).
Phân tích những lợi thế trong việc phát triển bất động sản du lịch tại Việt Nam từ lợi thế tự nhiên, cơ chế chính sách… ông Khởi cũng thẳn thắng chỉ ra nhiều khó khăn trong thời gian tới trong đó có vấn đề về cơ sở pháp lý.
“Xét trong đầu tư không phải nhà đầu tư nào cũng rõ về bất động sản du lịch về loại hình, cách thức, cơ chế. Đây cũng là một khó khăn. Vấn đề khó khăn nữa là một số cơ sở pháp lý Thủ tướng giao sửa luật Đất đai như việc cấp giấy chứng nhận đối với condotel, việc này Bộ Tài nguyên & Môi trường đang nghiên cứu. Mà việc sửa luật Đất đai thì sang năm 2020 mới hoàn thành nên có chậm” – ông Khởi nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho biết, Bộ Xây dựng còn đang nợ quy chuẩn tiêu chuẩn về condotel.
“Quy chuẩn tiêu chuẩn như một căn hộ bao nhiêu m2, bao nhiêu phòng ngủ thì đúng là Bộ Xây dựng còn đang nợ. Vấn đề này Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng và hiện nay Bộ đang nghiên cứu để ban hành. Hay vấn đề quản lý condotel như thế nào. Quản lý nhà chung cư thì có rồi nhưng quản lý condotel cũng đang nghiên cứu. Phải xác định condotel không phải nhà ở nên phải có quy định quản lý khác biệt với căn hộ chung cư” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.
Địa phương “xé rào” cấp sổ đỏ cho condotel sẽ ra sao?
Cũng bàn về vấn đề cơ sở pháp lý cho condotel, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện vẫn còn lấn cấn về nhiều mặt từ pháp lý, tài chính…
“Chúng ta định hình nó là bất động sản nhà ở, hay bất động sản kinh doanh? Theo tôi, condotel là bất động sản kinh doanh. Tất cả những chính sách về đất đai về thuế cần phải dựa trên cơ sở đó là bất động sản kinh doanh. Đối với các ngân hàng thực sự cũng rất lúng túng khi lấy condotel để thế chấp. Các vấn đề bất động sản nghỉ dưỡng chưa được chúng ta giải quyết một cách thỏa đáng” – ông Hiếu đặt vấn đề.
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, không nên coi các loại condotel, officetel hay shophouse... là những loại bất động sản mới và sự luống cuống trong việc xây dựng khung pháp lý chỉ bởi vì những cái tên mới được đặt.
Theo ông, khi giải quyết câu chuyện quản lý dựa trên công năng thì bài toán sẽ đơn giản hơn. Nhìn nhận từ thực tế, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường bởi sự lúng túng trong việc hướng dẫn của cơ quan quản lý nên đang có thực trạng áp dụng pháp luật rất khác nhau tại các địa phương. Và khi pháp luật áp dụng được nhiều cách thì sẽ dẫn tới hai hệ quả là sự bất bình đẳng và nguy cơ xin-cho, dẫn tới tham nhũng.
Liên quan đến việc quản lý tại các địa phương, TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra vấn đề có một số địa phương hiện tại đã cấp sổ đỏ cho một số dự án codotel.
“Nhưng tôi không biết trong tương lai luật pháp thay đổi về condotel thì liệu những sổ đỏ đó có giá trị không? Còn giá trị không? Có giá trị hồi tố hay không?” – ông Hiếu đặt ra nhiều câu hỏi. Đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ các cơ quan ban ngành nhanh chóng đi đến định nghĩa về bất động sản nghỉ dưỡng để ngân hàng yên tâm khi làm thế chấp, để người mua nhà yên tâm về quyền sở hữu.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, theo vị chuyên gia kinh tế này đối tượng phù hợp với bất động sản nghỉ dưỡng là người có tiền. Nhà đầu tư cần lên kế hoạch tài chính phù hợp để đảm bảo khả năng mua hay tài trợ bất động sản.
Ông Hiếu cũng lưu ý các nhà đầu tư cần đưa ra một bài toán tài chính cẩn trọng, cần sự tư vấn của chuyên gia tài chính và pháp lý. Với các nhà đầu tư dùng bất động sản để kinh doanh thì sử dụng phương pháp tính giá trị hiện tại của dòng tiền tạo ra từ kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.