Giá trị gia tăng cao là yếu tố hấp dẫn của nhà đất
Từ xa xưa, nhà đất đã luôn là lựa chọn hàng đầu của người Việt để tích luỹ tài sản. Hiện nay, nhu cầu nhà ở ngày càng tăng nên dòng sản phẩm đất nền, nhà ở liền thổ luôn có sức hút mạnh mẽ. Bằng chứng là các dự án đất nền, nhà phố hay biệt thự tại Tp.HCM khi đưa ra thị trường đều được nhanh chóng tiêu thụ. Sau một thời gian dài tập trung phát triển dự án, đến nay quỹ đất tại Tp.HCM không còn đáp ứng được cho các dự án nhà ở liền thổ. Vị trí các quận sát trung tâm hầu như không có nguồn cung. Hiện các nhà đầu tư phải đi xa hơn, đến các tỉnh vệ tinh để đầu tư, tuy vậy yếu tố kết nối hạ tầng giao thông với Tp.HCM chưa hoàn chỉnh nên dù sức mua có tăng nhưng đa phần là đầu cơ chờ tăng giá.
Cùng với đó, giá đất tại Tp.HCM cũng tăng khá mạnh. Cả khu vực ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, nhà đất đều đã thiết lập mặt bằng giá mới. Theo một kết quả khảo sát từ Công ty DKRA Việt Nam, giá trung bình đất nền và căn hộ tại Tp.HCM trong vòng 5 năm từ năm 2012 - 2017 đã tăng vọt. Trong đó, căn hộ tăng từ 45-67%, đất nền cũng không ngoại lệ, có những khu vực tăng rất mạnh, đơn cử như khu Đông tăng từ 130-170%. Thời điểm đầu năm 2019, giá đất ở các quận Tp.HCM cũng đã điều chỉnh cao hơn sau hàng loạt đợt tăng giá. Đơn cử như tại Thủ Đức, nếu như đầu năm 2015, giá đất nền chỉ giao động từ 8-12 triệu/m2, thì nay đã tăng lên khoảng 36 - 45 triệu đồng/m2. Đặc biệt, nhà đất tại các quận trung tâm thì giá lại càng “bỏng tay” hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia, sản phẩm căn hộ, đất nền, nhà liền thổ tăng giá là xu hướng tất yếu, bởi quỹ đất tại Tp.HCM ngày càng hạn chế. Theo khảo sát và nghiên cứu của CBRE Việt Nam, tại phân khúc căn hộ bình dân, mặt bằng giá đã tăng lên đáng kể sau giai đoạn phát triển vừa qua và hiện không có nhiều dự án căn hộ mới được chào bán dưới 17 triệu đồng/m2.
Sở dĩ, giá nhà đất tại Tp.HCM hình thành mức giá mới là bởi chịu nhiều yếu tố tác động. Thứ nhất, Tp.HCM là một đô thị, trung tâm kinh tế lớn năng động, đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Sự gia tăng luồng vốn đầu tư đã thu hút thêm lượng người lao động các nơi đổ dồn về Tp.HCM, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về thuê, mua nhà ở. Thứ hai, Tp.HCM cũng là nơi tập trung mọi ngành nghề dịch vụ tiện ích cùng với sự tăng trưởng của các ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán… phần nào đã tác động mạnh mẽ đến giá bán của thị trường nhà đất. Bởi người dân hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư tài chính bằng các tài sản liên quan tới nhà đất.
Thứ ba, việc phát triển hạ tầng giao thông và các thông tin quy hoạch vùng đã liên tục góp phần vào việc hình thành nên mặt bằng giá mới cho các khu vực. Hiện nay, Tp.HCM lại đang đẩy mạnh tiến trình cải thiện hạ tầng giao thông và kết nối liên vùng. Chính vì thế, sau giai đoạn “đóng băng” từ năm 2010-2013, thị trường nhà đất Tp.HCM bước vào giai đoạn phục hồi. Từ năm 2014, thị trường đã bắt đầu khởi sắc và phát triển sôi động. Đến nay, thị trường Tp.HCM đã thiết lập nên mặt bằng giá mới.
Có thể thấy, với tính ổn định và bền vững, sản phẩm đất nền, nhà liền thổ vẫn là kênh tích luỹ và đầu tư sáng giá được nhiều người ưa chuộng.