Báo cáo thị trường bất động sản 2018, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, kết thúc quý III/2018, điều dễ thấy nhất đó là thị trường có dấu hiệu chững lại bởi lượng hàng mới ra ít hơn hẳn so với những năm 2016 - 2017. Thị trường cũng chứng kiến sự lệch pha rõ rệt giữa nguồn cung các dự án thuộc phân khúc cao cấp và phân khúc tầm trung, giá rẻ.
Bên cạnh đó, tại cuộc gặp gỡ giữa chính quyền TP.HCM và doanh nghiệp bất động sản đầu tháng 11 vừa qua do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì, có hàng chục ý kiến đến từ lãnh đạo các doanh nghiệp địa ốc cho rằng, năm 2018 là một năm khó khăn với doanh nghiệp khi thành phố tiếp tục công bố kế hoạch phát triển thị trường từ nay tới năm 2020. Theo đó, sẽ hạn chế tối đa cấp phép dự án bất động sản mới tại các quận trung tâm, đặc biệt quận 1 và quận 3. Tất cả những yếu tố chủ quan và khách quan đó đang làm cho thị trường bất động sản TP.HCM trở nên giảm tính cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích thị trường lại cho rằng, việc hạn chế phát triển các dự án vùng lõi đô thị cũng là lúc các mũi nhọn khác của thị trường thêm đà, thêm lực phát triển. Đó là xu hướng, hướng ra thị trường bất động sản vùng ven, thị trường bất động sản liên kết vùng đến từ các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận…
Việc số đông doanh nghiệp hướng về thị trường vùng ven sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và xoay trục thị trường, khiến người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hơn. Bởi khi TP.HCM bắt đầu nghiêng về phát triển các dự án cao cấp do giá đất, thuế phí, giá dịch vụ tăng cao tạo ra mặt bằng giá bất động sản cao hơn thì những khách hàng ít tiền, thu nhập thấp khó có thể sở hữu nhà. Những dự án ở các tỉnh giáp TP.HCM là một lựa chọn tối ưu cho số đông khách hàng bởi quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất, thuế và giá dịch vụ thấp hơn. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối ổn định khiến khoảng cách địa lý cũng gần lại.
Thêm vào đó là việc cơ sở hạ tầng tại các vùng ven ngày càng phát triển. Trong những năm qua, các địa phương vùng ven đã chú trọng nhiều hơn về hạ tầng giao thông kết nối đến TP.HCM. Tại Dĩ An, Thuận An - Bình Dương có tuyến đường sắt trên không, tuyến quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, Xa lộ Hà Nội,… tất cả những kết nối này đều được quy hoạch xây dựng - nâng cấp khiến vị trí địa lý không còn là trở ngại để sinh sống. Có một câu nói vui rằng việc di chuyển từ Thuận An đến trung tâm Quận 1 TP.HCM có khi còn nhanh từ Hóc Môn đi lên, điều này chứng tỏ sự thuận tiện trong kết nối đang dần được nâng cao.
Có thể thấy BĐS vùng ven đang có những cơ hội to lớn để phát triển, tuy nhiên cơ hội này cũng nhiều cạm bẫy tiềm ẩn phía trong.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn