Đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng cải tạo quốc lộ 13 nối Tp.HCM với Bình Dương

Thứ ba - 09/04/2019 08:36
Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Quốc lộ 13 được xác định là trục xương sống của hệ thống giao thông trong tổng thể nền kinh tế - xã hội Bình Dương, vì vậy theo các chuyên gia, cần phải đầu tư nâng cấp mở rộng hợp lý để tuyến đường đủ sức gánh vác, nuôi dưỡng một địa phương đang phát triển mạnh.

Trước đó, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương đưa ra 2 phương án cùng mở rộng mỗi bên 15m tính từ mép nhựa; đồng thời nâng cấp từ 6 làn xe hiện hữu lên 8 hoặc 10 làn xe, đạt chuẩn đường phố chính đô thị; tốc độ thiết kế 80km/giờ và tải trọng 120KN/trục. Cùng với đó, kết hợp cải tạo các nút giao thông xung yếu bằng hệ thống đèn tín hiệu hoặc chỉ mở rộng một bên theo hình thức phân kỳ đầu tư từng giai đoạn.

Nhưng theo phương án vừa được phê duyệt, quốc lộ 13 được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, đoạn từ cổng chào P.Vĩnh Phú (TX.Thuận An, Bình Dương, giáp ranh TP.HCM) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Cả 2 làn mở rộng đều nằm bên phải hướng từ TP.HCM đi Bình Phước, được đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ cả hai bên đường.

Ngoài ra, dự án còn xây 2 cầu vượt quy mô 4 làn xe gồm giao lộ ngã tư Bình Hòa (cầu Ông Bố, P.Bình Hòa, TX.Thuận An) và giao nhau giữa đại lộ Hữu Nghị (KCN VISP 1, TX.Thuận An) với quốc lộ 13. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2022.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi dự án mở rộng quốc lộ 13 hoàn thành sẽ sử dụng Trạm 1 (Vĩnh Phú) và Trạm 2 (Suối Giữa) để thu phí trên từng nhóm phương tiện nhằm thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hằng năm không vượt quá theo quy định của Bộ Tài chính.

Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư 1.411 tỷ đồng, trong đó, vốn doanh nghiệp chiếm 20%; vốn vay ngân hàng là 80%. Ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, vì vậy không tính vào tổng mức đầu tư. Theo UBND tỉnh Bình Dương, quốc lộ 13 nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đây là trục giao thông "xương sống" của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương, có ý nghĩa như chiếc "đòn bẩy" nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.

Thời gian qua, trên quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TP.HCM… thường xảy ra tắc nghẽn giao thông, vì vậy cần phải được nâng cấp mở rộng sớm. Nếu tuyến đường sớm được đầu tư, nâng cấp mở rộng sẽ tiếp tục tạo ra “bộ khung kỹ thuật” đưa Bình Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. 
ppp
 
Dự án mở rộng quốc lộ 13 có tổng vốn đầu tư 1.411 tỷ đồng, 
được thực hiện theo hình thức PPP

 
Theo ghi nhận, việc hạ tầng được chú trọng phát triển đã giúp thị trường bất động sản Bình Dương trở thành tâm điểm hút các nhà đầu tư. Từ sau Tết đến nay, thị trường bất động sản Bình Dương bỗng trở nên nhộn nhịp hẳn lên khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư địa ốc mới. Chẳng hạn, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) vừa công bố sẽ đầu tư một dự án rộng gần 2ha tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Doanh nghiệp này cũng đang sở hữu một quỹ đất khá lớn, khoảng gần 65ha tại Bình Dương làm "của để dành" cho các chiến lược phát triển trong tương lai.

Mới đây, Thiên Minh Group cũng đã bắt tay cùng một đối tác phát triển khu dân cư quy mô ngay tại trung tâm Bình Dương. Hay Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa thâu tóm quỹ đất rộng hơn 80ha để chuẩn bị phát triển các dự án căn hộ ngay cạnh đấy. Phú Đông Group cũng vừa tuyên bố trong năm 2019 này sẽ tung ra thị trường hơn 600 căn hộ giá hợp túi tiền tại Bình Dương.
 
 

Tác giả bài viết: Viethome Group

Nguồn tin: (Theo Trí thức trẻ)

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây