Bí thư Đinh La Thăng hành động, hàng trăm dự án "toát mồ hôi"?
Đây là những dự án nhà ở khá hoành tráng phát triển cách đây 5, 7 năm trước, lúc thị trường BĐS đang ở thời hoàng kim. Đến nay hàng trăm dự án vẫn chìm trong tình trạng "đắp chiếu", không nhúc nhích.
Tóm tắt
Tân bí thư Thành ủy Tp.HCM Đinh La Thăng đã có những chỉ đạo, hành động cụ thể ở nhiều lĩnh vực trong những ngày mới nhậm chức vừa qua. Trong đó, đã có một số dự án cụ thể ông đã "ra tối hậu thư", nhưng còn hàng trăm dự án khác còn "đắp chiếu" thì sao?
Mới đây, trong các cuộc làm việc với nhiều Sở ngành, Bí thư Thành ủy TP,HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo tiến hành xử lý và “tháo treo” nhiều dự án trên địa bàn. Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng giao chính quyền thành phố rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, chỗ nào sử dụng không hiệu quả, số tiền thu được thấp thì thu hồi lại để chuyển đổi công năng...
Dự án 500 triệu USD Safari Củ Chi, bí thư Đinh La Thăng đã "ra tối hậu thư" phải đạt được những tiến triển nhất định trong 6 tháng tới. Tiếp theo đó là một loạt các dự án đầu tư đáng chú ý khác như dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các khu công nghiệp, khu dân cư...
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM, cho biết thời gian qua thành phố đã xử lý rất nhiều dự án treo theo Nghị quyết 16 của HĐND TP.HCM. Nhưng thực tế tại nhiều dự án sau khi xử lý quyền lợi của người dân vẫn chưa được đảm bảo. Thời gian tới sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND TP.HCM xử lý tiếp những trường hợp còn lại.
Mặc dù thị trường BĐS đang khởi sắc nhưng tại các quận vùng ven như quận 7, quận 9, huyện Nhà Bè hay một số tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai… hàng loạt dự án đất nền, căn hộ vẫn trong tình trạng “hoang hóa”.
Đặc biệt, trong đó nhiều dự án đã triển khai xây dựng cách đây hơn chục năm nhưng đến nay hạ tầng cũng chỉ có đường đi nội bộ được rải đá cấp phối.
Khu vực quận 2 có tốc độ phát triển nhanh nhất trong những năm qua, nơi có các tuyến đường giao thông “huyết mạch” như Mai Chí Thọ, đường vành đai phía Đông, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số tuyến đường sắt trên cao.
Tại đây, bên cạnh nhiều khu dân cư, nhà ở đã được hình thành thì nhiều dự án với những căn biệt thự kiểu dáng sang trọng đang bị bỏ hoang, cỏ phủ kín.
Không chỉ tại khu vực quận 2, tại địa bàn quận 9 cũng hàng loạt dự án với hàng trăm căn biệt thự, nhà ở đang trở thành những “ngôi nhà ma” không một bóng người.
Chị Mai Hoa, một cư dân duy nhất đang sinh sống trong khu biệt thự nằm cách UBND quận 2 khoảng 100m, cho biết căn nhà rộng 170m2 này được gia đình chị mua từ gần 8 năm nay, nhưng từ khi dọn vào ở đến nay chỉ có vỏn vẹn mỗi gia đình chị. “Cứ chiều tối đến là cả nhà khóa trái cửa ở yên trong nhà, không dám ra ngoài vì rất sợ. Những ngôi nhà bỏ hoang bên cạnh là điểm tụ tập của nhiều người hút chích, vô gia cư. Sống như vậy rất dễ bị đau tim nhưng tiền bỏ ra mua đành phải ở chứ giờ thuê nhà bên ngoài thì rất khó khăn”, chị Hoa tâm sự.
Cách đó khoảng 5km, Dự án nhà phố, biệt thự An Khang thuộc phường Phú Hữu (quận 9) có quy mô hơn 11ha, hàng chục căn biệt thự, nhà phố được người mua xây dựng, hoàn thiện cơ bản rồi… bít cửa để đó. Một số người dân sống gần đó tận dụng trồng rau, nuôi gà, không ít chủ nhân tận dụng nuôi chim yến cho đỡ lãng phí.
Những căn nhà vắng chủ lâu ngày cỏ mọc um tùm cộng với tiếng kêu phát ra từ máy “dụ yến” làm cho cả một khu vực u ám khó tả. Mặc dù dự án nằm cạnh đường cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Long Thành, nhưng tình trạng hoang vắng người ở vẫn tiếp diễn.
Được biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có 1.409 dự án, trong đó, đã có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn văn bản chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18% tổng số dự án, và đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản.
“Sắp tới, TP.HCM sẽ thực hiện kế hoạch rà soát lại toàn bộ dự án BĐS đã và đang thi công trên địa bàn. Đối với những dự án bỏ hoang lâu như thế chắc chắn thành phố sẽ có giải pháp xử lý triệt để”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Cũng theo ông Châu, chúng ta có Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS. Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng sẽ bị thu hồi dự án, đưa ra đấu giá kêu gọi nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, việc thu hồi rất khó và mất nhiều thời gian vì nhiều chủ đầu tư làm ăn bết bát bỏ trốn tìm không ra hoặc tiếp tục xin gia hạn vì điều kiện tài chính khó khăn. Đối với những dự án xây thô xong rồi ngưng trệ, thành phố đã nhiều lần yêu cầu hoàn thiện nhưng chủ đầu tư không có tiền, cũng là “nỗi khổ” của cơ quan quản lý.
Một dãy biệt thự bỏ hoang tại trung tâm quận 2 - nơi được mệnh danh là Phố Đông của TP.HCM.
"Căn bệnh nan y" nhiều năm nay do một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội vào đầu tư trên địa bàn quận 2.
Tại quận 9 cũng trong tình trạng có nhiều dự án nhà ở xây xong không có người ở.
Dự án khu dân cư rộng hàng trăm ha do công ty Đức Khải làm chủ đầu tư tại quận 2. Tuy nhiên, nhiều năm qua đây chỉ là bãi đất hoang.
Những hình ảnh thường thấy tại "trung tâm" BĐS của TP.HCM - khu Đông.
Một dự án nhà ở cao tầng vẫn còn trơ khung nhiều năm qua.
Dãy nhà này là nơi lý tưởng cho những người vô gia cư.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu, để xảy ra tình trạng nhiều cao ốc bị bỏ hoang là do tầm nhìn của chủ đầu tư, hầu hết các chủ đầu tư phán đoán sai về hướng phát triển của thị trường BĐS.
Quận 7 được coi là điểm nóng của thị trường BĐS Tp.HCM với hàng chục dự án cao ốc căn hộ và văn phòng đang đua nhau mọc lên, khách hàng cũng tấp nập đến các sàn giao dịch để tìm hiểu mua căn hộ. Nhưng đây cũng là quận có nhiều dự án cao ốc đã xây xong phần thô nhưng rồi bỏ hoang.
Cơn nóng sốt của thị trường BĐS giai đoạn trước 2008 qua đi để lại hậu quả là hàng trăm dự án bỏ hoang như thế này đến này vẫn không có lối ra.
Đa số người được hỏi về các dự án treo này đều muốn chính quyền thu hồi dự án, rút giấy phép đầu tư, chuyển dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn... Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản.
Hệ quả của bài toán đầu tư sai khi chạy theo tâm lý đám đông lúc thị trường quá "nóng".
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, một số dự án bỏ hoang khi xây dựng còn dang dở. Trong số đó, có dự án đã xây dựng xong phần thô rồi ngưng. Các dự án dở dang có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, cũng có dự án do nhà đầu tư chủ động tạm dừng để đánh giá nhu cầu thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn