Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu việc giảm lãi suất trên trở thành xu hướng chung cho đến cuối năm thì có thể sẽ kéo lãi suất cho vay giảm xuống. Khi đó, dĩ nhiên sẽ có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS). Lãi suất cho vay chỉ cần giảm xuống ở mức độ 0,5% là đã có tác động tích cực tới thị trường BĐS, kích thích người mua nhà.
Việc một số ngân hàng giảm lãi suất được cho là tín hiệu lạc quan cho thị trường BĐS |
Ông Hiếu phân tích, trong tín dụng BĐS, lãi suất luôn có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện cũng chưa rõ việc giảm lãi suất huy động liệu có trở thành một xu hướng chung hay không nên chưa thể biết được những tác động đối với thị trường BĐS. Từ bây giờ đến cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ tăng, có nghĩa là vốn huy động các ngân hàng cũng cần phải thu hút vào nhiều. Một cách để các ngân hàng thu hút vốn huy động vào là tăng lãi suất. Vì vậy, nếu một số ngân hàng lớn có thanh khoản tốt và có nhiều nguồn vốn huy động chưa cho vay một cách có hiệu quả thì có thể họ sẽ giảm lãi suất xuống.
Những ngân hàng hạng trung và nhỏ vẫn luôn cần vốn, sắp tới tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho trung và dài hạn sẽ kéo xuống từ 60% xuống mức 50%. Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu cũng khiến cho dòng vốn tín dụng không quay ngược trở lại ngân hàng. Vì vấn đề nợ xấu mà ngân hàng sẽ phải huy động vốn trả cho khách hàng. Với lý do này, chúng ta cần chờ xem liệu việc giảm lãi suất có thể trở thành một xu hướng chung cho ngành ngân hàng hay chỉ là động thái của một vài ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng: “Thực ra, động thái này cũng chưa có sự tác động đến các ngân hàng huy động trung và dài hạn mà vẫn phải tăng lãi suất để huy động nguồn vốn cho trung và dài hạn. Bắt đầu từ năm tới, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ rút xuống, có nghĩa là các ngân hàng hiện tại đang phải chuẩn bị để cơ cấu lại nguồn vốn nhằm có nhiều vốn trung và dài hơn nhằm đáp ứng được tỷ lệ 50%. Với việc cân đối lại nguồn vốn như trên, việc giảm lãi suất ở phần này rất là ít, hầu như hiện tại mới chỉ giảm lãi suất ở ngắn hạn. Vì vậy, đối với các nguồn vốn trung và dài hạn vẫn chưa có hiện tượng giảm.
Đây mới chỉ là một biểu hiện của sự chuyển dịch thị trường, nhưng còn chưa rõ nét và chưa tạo ra được xu hướng chung. Có lẽ phải chờ thêm, ít nhất là đến cuối năm nay thì mới có thể biết được xu hướng này như thế nào”.
“Việc giảm lãi suất nói trên xuất hiện tại một số ngân hàng thương mại của nhà nước, chứ không phải tại tất cả các ngân hàng. Những ngân hàng này có thanh khoản tương đối dồi dào và mạnh, họ có thể đáp ứng được sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm này cũng chưa thể hiện rõ nét việc các ngân hàng thương mại đang dư thừa thanh khoản. Thêm nữa, mức tăng trưởng tín dụng hiện nay mới chỉ khoảng 10%, đây không phải là mức cao cho nên khả năng các ngân hàng vẫn cần phải nỗ lực để tìm cách tăng trưởng tín dụng nữa. Như vậy, tiền nằm trong ngân hàng chưa thể là dư nhiều được. Đó là tình hình chung”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.
Đánh giá về tác động của việc này tới thị trường BĐS, chuyên gia này cho rằng, vấn đề phải nằm ở lãi suất cho vay. Giảm lãi suất cho vay thì mới tạo ra động lực cho BĐS, chứ không phải nằm trong lãi suất huy động.
“Tôi không nghĩ việc giảm lãi suất huy động này sẽ kéo theo giảm lãi suất cho vay. Bởi vì, về vấn đề BĐS, các ngân hàng có kinh nghiệm thường quan tâm đến nhu cầu vay vốn của người mua, cộng thêm việc khống chế tỷ lệ vay vốn từ nguồn vốn dài hạn của ngân hàng, theo Thông tư 36”.
Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, mức giảm lãi suất huy động VNĐ từ 0,3 - 0,5% mới chỉ là một tín hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu vốn của ngân hàng không còn căng thẳng như trước đây, còn việc tác động tới thị trường, cụ thể là tác động tới dòng vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh thì phải chờ thời gian trả lời, chứ chưa thể lạc quan được.
Vấn đề ở chỗ, dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh không phải chỉ nằm trong lãi suất, mà nằm ở cả cơ chế cho vay và vấn đề gặp nhau giữa ngân hàng và các doanh nghiệp, trong việc đánh giá rủi ro và đánh giá về sử dụng vốn của doanh nghiệp vay.
“Hiện giờ vấn đề này vẫn còn khó khăn ở chỗ ngân hàng vẫn quen việc muốn vay phải có thế chấp tài sản, mà tài sản đó lại chính là nhà đất. Và ngân hàng cũng đã bị những "cú nặng" trong vấn đề cho vay, mất vốn vào doanh nghiệp sản xuất nên họ cũng rất lo ngại. Hoặc những dự án đầu tư bị "đắp chiếu" trong thời gian vừa qua cũng khiến cho ngân hàng bị kẹt trong vấn đề thu hồi vốn. Cho nên, mặc dù ngân hàng đang nỗ lực đưa vào doanh nghiệp nhưng tiếng nói chung giữa hai bên vẫn cần có thời gian”, chuyên gia này cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn