Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Bình Thuận: Khẩn trương hoàn tất giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng tiến độ dự án

Thứ tư - 20/03/2019 09:10
 Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 160,3 km. Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương, giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh, là đòn bẩy để Bình Thuận phát triển.

Caotoc

Giải phóng mặt bằng

Đến nay, các công việc chuẩn bị liên quan đến dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án ngay khi được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao mốc GPMB trên thực địa. Tỉnh cũng đã ban hành quyết định điều chỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 614/2017/QĐ-UBND ngày 4/5/2017 về Quy định nguyên tắc và đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, để áp dụng thực hiện đối với dự án đường cao tốc cho phù hợp với thực tế.

UBND tỉnh giao cho UBND các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các tiểu dự án thành phần giải phóng mặt bằng đối với phần tuyến đường cao tốc đi qua địa phương mình quản lý với các công việc cụ thể như: Rà soát, đề xuất các khu tái định cư; lập tiến độ tổng thể công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB gửi các Ban QLDA của Bộ tổng hợp bố trí vốn… Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về ý nghĩa và lợi ích của dự án, qua đó ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác GPMB và quá trình thi công. Tăng cường kiểm tra quản lý mặt bằng tuyến cao tốc đi qua, không để xảy ra tình trạng trồng cây, xây dựng, sang nhượng đất đai trái phép để lợi dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước.

Tái định cư

Trên cơ sở kết quả đề xuất của UBND các huyện, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có Công văn số 570/ UBND-ĐTQH ngày 18/2/ 2019 gửi Bộ Giao thông Vận tải, đồng thời Ban QLDA 7 cũng đã có công văn báo cáo bộ sớm thống nhất việc đầu tư xây dựng mới 3 khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết gồm: Khu tái định cư tại thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình; Khu tái định cư tại thôn 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc và Khu tái định cư tại thôn Văn Phong, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam.

Riêng đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua khu dân cư xã Tân Lập và trụ sở UBND xã Sông Phan thì được bố trí như sau: Dự án Khu tái định cư xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật với diện tích 0,96 ha tương ứng khoảng 28 lô (diện tích 1 lô 200 m2), kinh phí đầu tư 5,181 tỷ đồng, bố trí cho 28 hộ tái định cư. Hiện nay, để phù hợp khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 7,376 tỷ đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phê duyệt điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Về việc di dời trụ sở UBND xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, căn cứ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì sau khi hình thành tuyến đường cao tốc, trụ sở UBND xã Sông Phan sẽ bị chia cắt theo 3 phía, phía Bắc bởi đường dự án, phía Đông bởi QL55 cũ và phía Tây bởi QL55 mới. Với 3 mặt tiếp giáp trên, nhân dân trong xã sẽ gặp khó khăn và đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông khi đến UBND xã làm việc. Căn cứ đề nghị của UBND huyện Hàm Tân, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thống nhất hỗ trợ bồi thường toàn bộ công trình trụ sở làm việc của UBND xã Sông Phan để có nguồn vốn xây dựng trụ sở mới.

Gấp rút bàn giao mặt bằng đúng tiến độ

Căn cứ nghị quyết của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị “Triển khai thực hiện công tác GPMB cho các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện và các sở, ngành liên quan tập trung chủ động triển khai ngay công tác phục vụ GPMB dự án để phấn đấu bàn giao mặt bằng cho Bộ Giao thông Vận tải từ ngày 1/9/2019 đến ngày 30/11/2019.
Dự án gồm 3 dự án thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Quy mô hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe với bề rộng mặt đường 32,25m, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư dự án 39.650,016 tỷ đồng. Riêng kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến 2.205,715 tỷ đồng. Toàn tuyến qua địa bàn tỉnh có 7 nút giao liên thông, 40 cầu vượt, 54 hầm chui bố trí tại các vị trí  giao cắt với đường địa phương.

Nói về một số khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết: “Dự án với tuyến đường dài hơn 163 km, đi qua 5 huyện với tổng diện tích đền bù là 1.179 ha, một khối lượng công việc lớn, ảnh hưởng nhiều đến người dân, tiến độ thực hiện rất gấp. Trong khi đó các nội dung thiết kế của Bộ chưa xong, chưa bàn giao cọc mốc GPMB, chưa bố trí vốn cho địa phương. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các địa phương cùng nhân dân, Sở Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan, phấn đấu thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra một cách quyết liệt. Bởi đây không chỉ là dự án quan trọng của quốc gia mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, liên kết phát triển vùng. Nhiều lĩnh vực kinh tế - đời sống sẽ hưởng lợi, nhất là du lịch, công nghiệp.

Tác giả bài viết: Viethome Group

Nguồn tin: (Theo Báo Bình Thuận)

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây