Bất động sản "dạt" về vùng ven: "Hướng đi đúng chứ không rủi ro"

Thứ tư - 20/02/2019 01:49
"Việc TPHCM khan hiếm quỹ đất nên các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư về các tỉnh vùng ven là hướng đi đúng chứ không rủi ro. Nó sẽ giúp cho doanh nghiệp có nguồn thu ổn định, có đầu ra cho kinh doanh và nuôi bộ máy nhân sự".

"Việc TPHCM khan hiếm quỹ đất nên các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư về các tỉnh vùng ven là hướng đi đúng chứ không rủi ro. Nó sẽ giúp cho doanh nghiệp có nguồn thu ổn định, có đầu ra cho kinh doanh và nuôi bộ máy nhân sự". 

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TPHCM) trước làn sóng các doanh nghiệp bất động sản "dạt" ra các tỉnh thành để đầu tư khi quỹ đất ở TPHCM ngày càng khan hiếm.

đất nông nghiệp Bình Thuận được san lấp

Nhiều khu vực đất nông nghiệp tại tỉnh Bình Thuận được người dân dân san lấp, phân lô

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng "đánh bắt xa bờ" thay vì "bám trụ" tại TPHCM như trước đây. Các đại gia bất động sản tại TPHCM như Novaland, Hưng Thịnh cũng nhắm đến thị trường ở các tỉnh như Cần Thơ, Phan Thiết, Vũng Tàu hay Khánh Hòa, Phú Quốc... để đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận định, thách thức lớn nhất của bất động sản 2019 chính là thiếu hụt trầm trọng nguồn cung quỹ đất. Đây cũng là nguyên nhân của việc các doanh nghiệp chọn đô thị "vệ tinh" của TPHCM để kinh doanh trong giai đoạn 2019 - 2020.

Theo ông Châu, việc tìm kiếm quỹ đất mới không hề đơn giản ở TPHCM nên không ít doanh nghiệp đã chuyển hướng "đánh bắt xa bờ" về các tỉnh vùng ven. Việc mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh, thành để tránh tình trạng "đạp chân lên nhau" để tìm quỹ đất tại TPHCM được các doanh nghiệp thực hiện khá chủ động.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, quỹ đất sạch thuộc khu vực gần trung tâm TPHCM đang dần cạn kiệt nhanh chóng. Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối khu vực nội thành TPHCM với các vùng lân cận được triển khai xây dựng hoặc được cấp phép triển khai đã rút ngắn đáng kể thời gian đi lại. Do đó xu hướng phát triển trong tương lai sẽ lan tỏa sang các khu vực ở vùng ven của TPHCM hoặc các tỉnh lân cận, nơi mà quỹ đất vẫn còn khá dồi dào.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn khi chuyển hướng kinh doanh về các tỉnh vùng ven.

Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư VietHome nhận định, doanh nghiệp đổ về tỉnh làm dự án sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn có thể "đo đếm" được là việc ra hàng và thời gian bán hàng có thể kéo dài. Sức mua bất động sản của thị trường tỉnh không mạnh và phần lớn vẫn là khách hàng đến từ TPHCM, Hà Nội. Hiện tượng nhiều doanh nghiệp đổ về tỉnh làm dự án khiến nguồn cung tăng đột biến trong khi sức tiêu thụ của thị trường tỉnh khó tăng mạnh trong ngắn hạn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín thì cho rằng, thực chất TPHCM chỉ khan hiếm quỹ đất sạch chứ không phải là thiếu đất.

"Hiện chủ trương của TPHCM đang siết lại vấn đề cấp quyền sử dụng đất. Theo đó, chỉ cho phép thực hiện đối với những dự án thực sự đủ về pháp lý. Chuyển nhượng, mua bán dự án phải đàng hoàng thì mới được cấp phép xây dựng và cho kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai. Những ông nào lộn xộn thì dạt ra vùng ven khác", ông Tín nói.

Ông Bùi Quang Tín cũng thừa nhận, vấn đề quỹ đất ở các vùng khác nhẹ nhàng hơn so với TPHCM. Trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng kinh doanh ra các địa bàn xung quanh khiến đất "sốt xình xịch".

"Đây là hướng đi đúng chứ không rủi ro. Điều đó sẽ giúp cho doanh nghiệp bất động sản có nguồn thu ổn định", ông Tín khẳng định.

Chuyên gia kinh tế này cho biết, năm 2018 có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tuyển rất đông nhân sự, số lượng lên đến vài trăm, vài ngàn người/công ty nên phải có đầu ra, có hướng kinh doanh để "nuôi quân".  

bất động sản dạt về vùng ven

Bất động sản "dạt" về vùng ven theo TS Bùi Quang Tín thì đây là: "Hướng đi đúng chứ không rủi ro"

Ông Tín khẳng định, việc "đánh bắt xa bờ" bên cạnh khó khăn, thách thức vẫn có những thuận lợi nhất định. Việc chuyển hướng ra vùng ven này đang được các doanh nghiệp chuẩn bị từ vài năm trước với tâm thế chủ động đón đầu xu hướng, đón đầu thị trường.

"Nhiều doanh nghiệp đã có chi nhánh ở các tỉnh. Vấn đề tìm hiểu địa bàn, quan hệ với địa phương... họ làm nhuần nhuyễn nhiều năm nay nên chắc không còn "lạ nước lạ cái" đâu. Chỉ ông doanh nghiệp nào mới sinh ra, chưa am hiểu nhiều về thị trường đó thì mới sợ", TS Bùi Quang Tín nói.

Tác giả bài viết: Viethome

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây