Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM hiện đang xây dựng và lấy ý kiến các quận huyện cho dự thảo Quyết định 33 về diện tích tối thiểu được tách thửa, trong đó có nội dung đất quy hoạch là dân cư xây dựng mới không được phép tách thửa, chỉ có đất ở nằm trong quy hoạch khu dân cư hiện hữu chỉnh trang, khu dân cư hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới mới được phép tách thửa. Dự thảo cũng quy định phải lập dự án nếu diện tích đất triển khai trên 2.000m2.
Trong lần trao đổi với PV báo Người lao động, ông Nguyễn Toàn Thắng, GĐ Sở TN-MT thành phố, cho biết Quyết định 33 được thành phố ban hành vào năm 2014 với mục tiêu giải quyết bài toán nhu cầu nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, nhiều 'cò' đất đã lợi dụng quyết định này, tổ chức thu gom và phân lô, bán nền mà không thực hiện nghĩa vụ lập dự án, điện, đường, trường học, y tế... góp phần gây ra cơn 'sốt đất' vài tháng trở lại đây.
Để 'bịt' kẽ hở này, có rất nhiều buổi họp diễn ra giữa Sở và các chuyên gia, sở ngành khác để đưa ra Quyết định 33 sửa đổi. Trong đó, điểm mới đáng chú ý nhất chính là quy định lập dự án đối với diện tích đất hơn 2.000m2 khi tách thửa. Nếu xét về mặt kinh doanh chắc chắn quy định này sẽ khiến các 'cò' phân lô bị lỗ và giúp ngăn chặn bớt hiện tượng phân lô, tách thửa phá vỡ quy hoạch.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang, TGĐ Công ty BĐS Việt An Hòa cho biết hoàn toàn đồng tình và ủng hộ việc sửa đổi Quyết định 33 theo hướng siết việc phân lô, tách thửa ở khu vực dân cư. Ông Quang cho rằng, việc quy định diện tích đất trên 2.000m2 sau tách thửa phải lập dự án là cần thiết vì sẽ tạo nên các khu dân cư đông đúc với đầy đủ tiện ích, công viên, cây xanh, đường thoáng...Với những khu đất dưới 2.000m2 theo ông Quang không nên ép làm công viên…
Ông Quang đề xuất, việc tách thửa lô đất là bao nhiêu nên quy định chi tiết hơn, không cần phân biệt có nhà trên đất mới cho tách. Thêm nữa, cũng cần quy định rõ việc người dân không được phép tách từ 3 lô trở lên thì nếu tách 2 lô phải được phép, nếu không thì vô lý. "Chẳng lẽ hai nhà đang tranh chấp hoặc các anh chị em trong nhà muốn tách ra làm hai mà cũng không cho…?" - ông Khánh băn khoăn.
'Cò' xây dựng lợi dụng Quyết định 33 xây nhà dạng 'hộp diêm' trên một
khu đất tại quận 12 để tách được nhiều thửa đất. Ảnh: Lê Phong
Đồng tình với Quyết định 33 sửa đổi còn có ông Nguyễn Văn Đực, Phó TGĐ Công ty Địa ốc Đất Lành vì cho rằng quy định mới sẽ tạo công bằng giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp làm dự án bao giờ cũng có ràng buộc, yêu cầu đầy đủ các thủ tục về pháp lí, ràng buộc chỉ tiêu quy hoạch… trong khi đó, các 'cò' đất thì làm nhanh, phân lô bán giá mềm. Theo ông Đực, việc cần làm là làm sao để người dân triển khai dự án được chính quyền hỗ trợ, thủ tục nhanh chóng để họ không tốn nhiều thời gian, chi phí. Cũng cần xem lại trường hợp một doanh nghiệp làm dự án 2-3 năm chưa xong dù đúng thủ tục trong khi một nông dân chỉ mất vài tháng là xong.
Tuy nhiên, về khía cạnh luật pháp, theo luật sư Nguyễn Thị Thanh Hoa, VP Luật sư Cao Thái Hòa, dự thảo Quyết định 33 sửa đổi vẫn có nhiều điểm vô lý. Trong đó đáng chú ý nhất là quy định đất dân cư hiện hữu được tách thửa nhưng đất dân cư xây dựng mới thì không dù là đất ở, vẫn chuyển mục đích sử dụng, vẫn đóng thuế theo quy định. Luật sư Hoa viện dẫn, theo Luật Đất đai, không có đất quy định nào khác về đất dân cư xây dựng mới cả. Bà cũng dẫn chứng trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Thanh Lâm, ở xã Tân Thới Nhì, Huyện Hóc Môn. Ông Lâm có một mảnh đất là đất ở đô thị, đã đóng thuế, chuyển mục đích sử dụng đầy đủ nhưng không được phép tách thửa.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cho biết quận Phú Nhuận hiện có một số khu vực được xem là dân cư xây dựng mới trên giấy tờ. Tuy nhiên, trên thực tế những nơi này người dân ở đã lâu, phủ kín nếu theo Quyết định 33 sửa đổi thì chắc chắn sẽ xâm hại quyền lợi hợp pháp của họ và họ sẽ không được tách thửa.
Theo thông tin của một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, để có thể ăn gian được diện tích đất khi tách thửa, đã có trường hợp người dân lén xây dựng những căn nhà dạng 'hộp diêm', từ đó giảm diện tích đất từ 120m2 xuống còn 80m2 để tăng thêm nhiều lô. Tách thửa xong xuôi, họ sẽ đập những ngôi nhà 'hộp diêm' này đi và xây dựng mới. Vì thế, theo vị lãnh đạo này, Quyết định 33 sửa đổi không nên cho phân chia đất trống hay đất có nhà ở.
Giá đất nền có thể tăng trở lại Theo giám đốc một công ty bất động sản tại Tp.HCM, trước thông tin một số huyện tại Tp.HCM chưa đủ tiêu chuẩn lên quận, giá đất tại những khu vực này đã có dấu hiệu chựng lại. Tuy nhiên khi thông tin về sửa đổi Quyết định 33 rõ ràng và chính thức áp dụng vào thực tế thì giá đất nền vùng ven rất có thể sẽ tăng trở lại, nhất là tại các dự án có pháp lý rõ ràng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn