M&A bất động sản thương mại lên ngôi

Thứ ba - 22/01/2019 10:38
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản đang có sự thay đổi trong khẩu vị nhà đầu tư. Bên cạnh loại hình nhà ở, phân khúc BĐS thương mại ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế.

M&A bất động sản thương mại lên ngôi

Nhìn lại loạt giao dịch M&A BĐS đáng chú ý trong thời gian gần đây, có thể thấy, ngày càng nhiều các thương vụ hợp tác liên quan đến phát triển BĐS thương mại. Chẳng hạn như sự thành lập liên doanh và hợp tác chiến lược giữa Warburg Pincus và Tổng Công ty Becamex IDC để phát triển các loại hình BĐS kho vận, hậu cần tiêu chuẩn quốc tế. Thương vụ đình đám khác là quỹ VinaLand bán toàn bộ cổ phần trong dự án Vina Square cho Công ty Bất động sản Trí Đức để phát triển khu phức hợp thương mại cung cấp hơn 1.000 căn hộ dân cư cùng với khu bán lẻ và văn phòng. Một số thương vụ lớn khác như Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu USD vào Novaland; Samsung Securities cùng với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư từ Hồng Kông mua 40% cổ phần của Dragon Capital...

M&A bất động sản
Hoạt động M&A bất động sản thương mại sẽ chiếm ưu thế trong năm 2018

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư phát triển loại hình cao ốc văn phòng đang hoạt động ở khu vực trung tâm vẫn tiếp tục gia tăng. Trong tháng đầu tiên của năm 2018, CapitaLand đã ký thỏa thuận có điều kiện để mua một khu đất thương mại tại trung tâm kinh doanh của Tp.HCM với mục tiêu phát triển tòa tháp văn phòng hạng A quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Mitsubishi cũng mua lại 11.000m2 văn phòng của khách sạn Le Me'ridien từ Công ty CP Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH 990.

TGĐ JLL Việt Nam - ông Stephen Wyatt cho rằng, khẩu vị của các nhà đầu tư tại Việt Nam cũng đang thay đổi. Bên cạnh phân khúc nhà ở, các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng chuyển sang thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư. Theo JLL Việt Nam, lợi suất đầu tư BĐS thương mại tại Việt Nam hiện đạt mức 7 - 8% trong năm 2017, cao hơn mức 6,5% của năm 2016. Giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn khi rót vốn vào nhiều dự án. Theo dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng không ngừng tăng trưởng.

Cũng theo TGĐ JLL Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới. Nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu ái đến các dự án tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên các dự án này vẫn còn hạn chế trên thị trường. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập và thành lập văn phòng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Thay vì phải di chuyển liên tục, các nhà đầu tư hiện nay đã phát triển đội ngũ nhân viên của công ty ngay tại Việt Nam với sự kết hợp giữa các chuyên gia, quản lý trong và ngoài nước cho từng dự án. Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2018.

Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Hiện tại, số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đặc biệt là sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Tác giả bài viết: Phương Uyên

Nguồn tin: Enternews.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây