Khu Đông TP.HCM sẽ thành đô thị sáng tạo tầm quốc tế

Thứ sáu - 26/04/2019 11:10
Chiều qua (24.4), Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức)”.\

Khu đô thị chưa từng có trên thế giới

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) thông tin mục đích cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng về quy hoạch và phát triển đô thị để chuyển đổi khu vực phía đông TP trở thành khu vực kinh tế sáng tạo và có tính tương tác cao. Các hoạt động kinh tế tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính dịch vụ thương mại, cung ứng các hoạt động liên kết vùng TP.HCM.

Theo đó, TP.HCM hiện có 3 khu đô thị mới là khu đô thị Thủ Thiêm ở Q.2 với quy hoạch chính là trung tâm tài chính kinh tế của thành phố, Khu công nghệ cao ở Q.9 là nơi sẽ thực hành những ý tưởng sáng tạo, và Khu Đại học (ĐH) Quốc gia ở Q.Thủ Đức là nơi ươm mầm cho ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế, quy tụ hàng nghìn sinh viên trên cả nước. Các ý tưởng về khu đô thị sáng tạo sẽ được thực hành tại Khu công nghệ cao, thí điểm, sau đó chuyển sang thương mại hóa giai đoạn đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Đây là sự liên kết từ ý tưởng đến thực hành. Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM đã được nhiều chuyên gia, đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế góp ý qua nhiều lần hội thảo, tọa đàm. Phương án cuối cùng được các chuyên gia góp ý là phương án “mở”. Đây là nội dung mới, chưa từng có kinh nghiệm từ các quốc gia khác”, ông Nhã nhấn mạnh.

Dự kiến, 2 tháng sau khi công bố danh sách các đơn vị tham gia dự thi, sẽ tổ chức thi tuyển. Sở QH-KT cũng đã mời gọi nhiều đơn vị tư vấn trong nước và nước ngoài tham gia. Khoảng đầu tháng 8 năm nay, Sở QH-KT sẽ chấm thi, báo cáo cho UBND TP.HCM và công bố kết quả. Được biết, hiện đã có nhiều đơn vị tư vấn chuyển thông tin, tài liệu để Sở nghiên cứu soạn thảo quy hoạch.
Phó ban tổ chức cuộc thi, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Hội đồng sơ tuyển sẽ chọn tối thiểu 5 đơn vị tư vấn thiết kế có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm tư vấn thiết kế QH-KT tham gia. Hồ sơ năng lực sẽ được nhận tại Sở QH-KT từ nay đến hết ngày 2.5. Đơn vị đạt giải nhất sẽ được ưu tiên đàm phán ký hợp đồng để thực hiện các giai đoạn tiếp theo của dự án khu đô thị sáng tạo phía đông. Cơ cấu giải thưởng gồm: một giải nhất (trị giá 4,5 tỉ đồng), một giải nhì (trị giá 2 tỉ đồng và 3 - 5 giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 400 triệu đồng). Tổng trị giá các giải thưởng dự kiến đến 8,5 tỉ đồng.


Khu Đông hội tụ đủ tiềm năng

Một nguyên lãnh đạo Sở QH-KT TP.HCM nhận định việc xây dựng, quy hoạch một đô thị, khu trung tâm tài chính, kinh tế tại khu vực phía đông TP sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của toàn TP. Tuy về hình dáng, tổ chức không gian, cảnh quan đô thị vẫn phải theo nguyên tắc quy hoạch đô thị nhưng với tiêu chí tiếp cận giải pháp đô thị thông minh 4.0, tất cả công trình sẽ phải đạt đến trình độ thuận tiện cao nhất, giúp thay đổi mọi hoạt động, nâng cấp chất lượng cuộc sống của người dân. Ông đánh giá chọn vùng đất phía đông là rất phù hợp vì khu vực này chưa phải đô thị cải tạo mà hiện là đô thị đang phát triển, còn nhiều dư địa, nhiều điều kiện để hạ tầng được xây dựng ngay từ đầu.

 
doc lap
Khu công nghệ cao (Q.9) ở khu Đông TP.HCM
ẢNH: ĐỘC LẬP

 
 
“Nếu có sự quyết tâm của chính quyền cùng những chính sách thật sự mang tính đột phá, khu vực phía đông TP.HCM có thể trở thành một đô thị xứng tầm với các nước phát triển trong khu vực, đủ sức cạnh tranh với nhiều đô thị lớn trên thế giới”, vị này kỳ vọng.

Đồng tình, KTS Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS VN, cho rằng việc lãnh đạo TP.HCM quyết định hình thành yếu tố thông minh trong quá trình phát triển TP.HCM là rất phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tạo tính cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực. Ông đánh giá khu vực phía đông là mảnh đất thích hợp nhất để hình thành khu đô thị thông minh vì nơi đây hội tủ đủ các yếu tố về địa hình đất, vị trí thuận lợi, nằm giữa 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành, gần tuyến đường sắt Bắc - Nam và đường vành đai 3 kết nối TP.HCM với các tỉnh thành lân cận. Bên cạnh đó, quần thể các trường đại học uy tín chuyên về khoa học, kỹ thuật thuộc ĐH quốc gia TP.HCM, khu công nghệ cao cũng là nơi cung cấp “kho tàng” tri thức lớn từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên trình độ cao... sẽ cung cấp các ý tưởng, công trình nghiên cứu khoa học hữu ích cho các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, hình thành những công trình mang tính ứng dụng cao trong xã hội thay vì chỉ tập trung đào tạo như hiện nay.

“Khu đô thị này hình thành sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cả trình độ con người, nâng cao đời sống, tri thức của người dân TP. Đồng thời giúp chuyển dịch cơ cấu dân số, giải quyết bài toán giãn dân, giảm áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông TP hiện nay. Đây là bệ phóng giúp TP.HCM tăng sức cạnh tranh lớn về mọi mặt trên trường quốc tế”, ông Mười nói và lưu ý cuộc thi này nhằm quy tụ những ý tưởng, thiết kế từ nhiều đơn vị, có thể chọn phương án của 1 đơn vị giới thiệu, nhưng cũng có thể kết hợp nhiều ý tưởng từ nhiều đơn vị để có được phương án tốt nhất. Sau đó, TP và những nhà chuyên môn sẽ phân tích, điều chỉnh, phê duyệt cho phù hợp với đặc thù cấu trúc của TP rồi mới triển khai thực hiện.

Lưu ý đấu nối với đô thị hiện hữu

Tiềm năng sẵn có rất lớn, tuy nhiên KTS Khương Văn Mười nhận định cần giải quyết bài toán vị trí đặt khu trung tâm, quy mô như thế nào để kết nối tốt nhất tất cả tiềm năng cần khai thác. Ông góp ý khu đô thị phía đông kết nối số ít các dự án đã, đang triển khai tại khu vực này với quy hoạch mới, điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật, bổ sung hệ thống thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin, phương án ứng phó với biến đổi khí hậu… đáp ứng tất cả tiêu chí cần có của một đô thị thông minh. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối tất cả khu vực dân cư xung quanh, đảm bảo sự ăn nhập giữa đô thị mới và đô thị cũ.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, khu Đông TP.HCM đang quy hoạch vụn vặt, nhiều dự án con, nếu chỉ bó hẹp quy hoạch trong khu Đông, không phủ sang bờ bên kia sông phía tây (khu vực Q.1, một phần Q.Bình Thạnh và một phần Q.4) sẽ không thể phát triển Thủ Thiêm, giảm sức hút đối với các nhà đầu tư, dẫn đến việc thực hiện bế tắc hoặc không hiệu quả. Do đó, đề bài của cuộc thi cần mở rộng quy hoạch tổng thể TP.HCM, nhìn cả một vùng, gồm bờ Tây và bờ Đông sông Sài Gòn, không nên làm theo địa giới chỉ quy hoạch khu Đông.

Ông Sơn phân tích, hiện chúng ta đang tư duy quy hoạch theo địa giới hành chính, đây là cách làm cũ và cần phải bỏ. Thủ Thiêm không thể đứng một mình mà phải gắn kết từ đông sang tây thành một khối. Hai bờ cách nhau chỉ 400 m, nếu mở rộng tầm quy hoạch, nên nương theo 3 cụm chính: Cụm trung tâm kinh tế tài chính là Thủ Thiêm phủ qua bờ Tây; Cụm đô thị đại học lấy trục là ngã tư ĐH Quốc gia, tính luôn ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Khu công nghệ cao Sài Gòn, ĐH Fulbright, Suối Tiên, thậm chí kết nối tới cả ĐH Bình Dương. Khu này phải quy hoạch trở thành quy mô khu đại học lớn nhất nước, tầm quốc tế chứ không giới hạn quốc gia. Cụm thứ 3 rất quan trọng về mặt kinh tế là logistics. Phải quy hoạch kết nối khu công nghệ Cát Lái, khu đô thị mới, cảng Cát Lái và không thể tách rời các đường vành đai 1, 2, 3 kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).

“Cần phải có một bảng quy hoạch duy nhất, cả phía tây và phía đông TP, không cắt ra. Sai lầm trong quy hoạch trong thời gian qua là phát triển nhiều nhà cao tầng bờ Tây sông Sài Gòn, và manh mún khu Đông. Nếu không sửa sai sớm, khu Thủ Thiêm sẽ sớm biến thành đô thị phòng ngủ, toàn chung cư, không thấy trung tâm tài chính đúng nghĩa”, KTS Nam Sơn cảnh báo.
 
 

Tác giả bài viết: Viethome Group

Nguồn tin: (Theo Thanh niên online)

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây