Theo Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 16/2, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề.
Theo số liệu thông kê từ Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Việt Nam, năm 2015 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản tăng vọt, lên đến 78,7% so với cùng kỳ năm trước. Đội ngũ nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch cũng tăng gấp 2 – 3 lần so với năm 2014.
Thực vậy, qua khảo sát của chúng tôi, chỉ tại khu vực quận 9, mà tập trung nhất là tuyến đường Đỗ Xuân Hợp và Nguyễn Duy Trình, đã có gần 200 cơ sở môi giới nhà đất lớn nhỏ. Tại khu vực dự án khu dân cư Khang Điền, hai bên đường Đỗ Xuân Hợp sàn giao dịch nhà đất hoạt động khá nhộn nhịp. Văn phòng hoạt động chỉ gồm 1 chiếc bàn, hai cái ghế, một cái máy tính xách tay, điện thoại di động. Và, cái không thể thiếu là những xấp tờ rơi nặng chịch trên tay mỗi "cò" đất.
Thậm chí, trong vai một khách hàng tìm mua nhà, chúng tôi đến một văn phòng giao dịch nhà đất dưới chân đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ chạc độ tuổi trên 50, nhưng những dự án trong khu vực này bà đều nắm trong lòng bàn tay. Bà tên Thu cho biết đã hoạt động gần 10 năm nay, cũng chẳng thấy ai hỏi gì về bằng cấp. Bà lấy một góc mặt tiền nhà ngăn ra làm văn phòng mua bán, ký gởi và giới thiệu dự án. Đặc biệt, dưới tay bà có hơn 20 sinh viên mới tốt nghiệp chuyên làm công việc phát tờ rơi, nhắn tim rác và gọi điện thoại chào mời khách hàng.
Cạnh đó khoảng 50m, với một cái bàn nhựa và cái chiếc ghế nhỏ, hai nhân viên môi giới nhà đất đứng hẳn xuống lòng đường để phát tờ rơi cho khách qua đường. Khi được hỏi, chúng tôi biết rằng họ không làm cho một sàn giao dịch BĐS nào mà chỉ làm thời vụ. Công việc được giao là mỗi ngày phải phát ra được hết 500 tờ rơi giới thiệu về các dự án mà một công ty đang chào bán. Nếu có khách hàng muốn tìm hiểu sâu hơn thì hai "cò" này sẽ giới thiệu một trưởng nhóm tiếp xúc ngay sau đấy.
"Mấy hôm nay có nghe râm ran chuyện siết chặt hoạt động môi giới nhà đất. Nhưng, chắc có lẽ các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra những sàn môi giới lớn, hoạt động nhỏ lẻ như vậy chả ai quan tâm. Và lại, chúng tôi cũng không ngồi cố định một chỗ, khi nào tìm được việc làm chính thức thì không đứng đường nữa", một anh tên Tân Thông nói.
Theo Bộ Xây dựng, quy định này nhằm siết lại tình trạng hỗn loạn trong hoạt động môi giới BĐS thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để quy định trên thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng việc Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 16/2 quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép hành nghề môi giới BĐS sẽ giúp thanh lọc đội ngũ làm nghề này và giảm bớt những thua thiệt cho người mua nhà.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho biết thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào cuộc đua nước rút để giành thị phần. Qua đó, doanh nghiệp địa ốc cần phải chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ bán hàng. Nếu tiếp tục hoạt động theo kiểu chụp giật, chiêu trò thì không thể nào có cơ hội trên thị trường.
Dưới con mắt của ông Đoàn Chí Thanh - Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam sớm hay muộn thì các cơ quan quản lý cũng sẽ có chế tài đối với hoạt động này. Bởi trong thực tế hoạt động môi giới BĐS hiện nay, bên cạnh những nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp có không ít những người hoạt động môi giới tự do và đều không có chứng chỉ hành nghề, nhưng chả có ai cấm, chả có ai phạt họ cả.
Chính vì vậy, để chứng chỉ hành nghề thực sự có giá trị, rất cần bổ sung chế tài và biện pháp quản lý đối với những hoạt động môi giới đơn lẻ. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần có thêm quy định rõ ràng hơn về chế tài đối với các sàn giao dịch BĐS không thực hiện đúng quy định này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng quy định nhân viên hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ không phải mới song nội dung Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng mang tính ràng buộc hơn về công tác cấp chứng chỉ như phải được học kiến thức liên quan, quy định cụ thể hơn về việc cấp, rút chứng chỉ.
"Cá nhân tôi nhận thấy đây là điều kiện cần để có thể kiểm soát tốt hơn việc các sàn giao dịch BĐS lập chui, tránh được tình trạng nhân viên bán hàng, tư vấn không có kiến thức song chưa đủ. Bộ Xây dựng cần chặt hơn nữa thông qua việc phải nâng tỷ lệ người có chứng chỉ hành nghề tại một sàn giao dịch càng nhiều càng tốt chứ nếu chỉ 2 người vẫn còn quá ít", ông Châu nói.
Cùng chung quan điểm trên, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thuộc công ty TNHH Savills Việt Nam, cho biết: "Đây là việc làm rất cần thiết và buộc phải làm cho bằng được khi nền kinh tế chúng ta hội nhập với quốc tế. Ban đầu sẽ không tránh khỏi sự phản ứng từ nhiều thành phần liên quan. Cũng giống như chúng ta mặc một chiếc áo quá lâu, giờ chồng thêm một cái áo vào nữa sẽ cảm thấy chật chội, nhưng rồi đâu cũng sẽ vào đấy".
Để kiểm soát được hoạt động môi giới, cơ quan chức năng cần cấp cho mỗi nhân viên hoàn thành khóa học mỗi mã số. Sau một quá trình giao dịch, khách hàng chỉ cần tra mã số này thì sẽ biết được mọi thông tin và chứng chỉ hành nghề của nhân viên đã bán nhà. Đặc biệt, nếu xảy ra những tình huống bất trắc, cơ quan quản lý cũng dựa vào đấy mà kiểm soát được từng nhân viên khi có phản ánh từ các phía.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn