Dự án BĐS có nhu cầu chuyển nhượng đang dần ít đi, giá chào bán đã đắt đỏ hơn khoảng 15-20% so với trước đây, nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang mua tài sản.
Đó là nhận định của ông Phan Xuân Cần –Chủ tịch Công ty Sohovietnam, “người đạo diễn” nhiều thương vụ M&A bất động sản lớn trên thị trường thời gian qua như Skypark Residence, 36 Phạm Hùng,…
Năm 2015 đã ghi nhận sự sôi động của thị trường chuyển nhượng dự án BĐS. Tuy nhiên, theo Sohovietnam, năm nay lượng dự án cần chuyển nhượng không nhiều, hiện công ty đang tiếp nhận một số dự án BĐS cần chuyển nhượng, phần lớn ở Tp.HCM, Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang.
Riêng năm qua, Sohovietnam đã tư vấn chuyển nhượng thành công 2 dự án bất động sản với tổng giá trị chuyển nhượng khoảng 1.200 tỷ đồng, và tổng mức đầu tư của 2 dự án này khoảng 5.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Cần thực tế nhu cầu mua dự án còn rất lớn vì nhà đầu tư cần có dự án để gối đầu. Tuy nhiên, giá chào bán dự án hiện nay đã tăng khá cao dao động khoảng 15-20% so với trước, nên không dễ mua, và giao dịch chuyển nhượng dự án cũng ít đi.
Vì thế, những nhà đầu tư đã kiếm được tiền trong quá trình đầu tư và kinh doanh sẽ chuyển hướng sang mua tài sản, đặc biệt là những tài sản sinh ra dòng tiền như khách sạn 2-4 sao, đang xây dở dang hoặc đã đi vào hoạt động, đất xây văn phòng cho thuê, khối đế thương mại,…
Phần lớn các tài sản chào bán hiện nay tập trung ở TP HCM. Chỉ riêng các danh mục tài sản chào bán qua Sohovietnam đã lên đến gần 80 tài sản khác nhau, với giá trị mỗi tài sản từ 50-300 tỷ đồng.
Ở Hà Nội không có nhiều tài sản chào bán vì thông thường, các nhà đầu tư phía Bắc rất giữ tài sản và họ ít vay mượn nên không chịu áp lực bán.
Họ mua vì 2 mục đích. Thứ nhất là họ kỳ vọng giá trị tài sản sẽ tăng, thứ hai là dòng tiền thường xuyên mà tài sản đó sẽ mang lại. Những tài sản ở TP HCM có tỷ suất sinh lời khoảng 5-7% bằng USD, trong khi tỷ suất sinh lời ở Hà Nội thấp hơn, khoảng 4-5%.
Với sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam thì hoạt động gia tăng thâu tóm các tài sản có giá trị ngày càng cao, đặc biệt là từ dòng vốn FDI. Thay vì đầu tư vào một dự án mới sẽ có nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính, hiện nhiều tập đoàn lớn nước ngoài qua con đường M&A những tài sản hấp dẫn.
Điển hình là thương vụ chạy đua thâu tóm chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, sau khi tập đoàn Casino tuyến bố sẽ bán Big C Việt Nam để tái cơ cấu khoản nợ hơn 2 tỉ EURO.
Từ đó, cuộc chạy đua thâu tóm chuỗi siêu thị này diễn ra không ngừng nghỉ của các “ông lớn” bán lẻ như Lotte, Dairy Farm, Berli Jucker, Central Group, Aeon…Và những ngày đầu năm 2016, thông tin các tập đoàn Thái Lan đang chạy đua quyết liệt thâu tóm Big C Việt Nam lại càng làm “nóng” thị trường, khi có sự xuất hiện thêm TCC Holding của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.
Thương vụ Big C Việt Nam hiện đang có thông tin được cho là có giá trị khoảng 900 triệu USD. Được biết, cuối năm ngoái TCC Holdings của Thái Lan cũng đã thành công trong việc đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam của tập đoàn Metro Group (Đức).
Ngoài ra, AON Holdings cũng trở thành người thắng cuộc trong cuộc chạy đua mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội từ tập đoàn Keangnam, sau khi chi khoảng 380 triệu USD mua lại khoảng nợ của tập đoàn Keangnam.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhận thấy cơ hội lớn ở thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực BĐS thương mại sau khi Việt Nam hội nhập mạnh với thế giới như tham gia TPP, AEC,..
Năm 2016, hoạt động M&A và đầu tư FDI tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhờ vào những tiến trình như tái cấu trúc ngân hàng và cổ phần hóa DN nhà nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn