Tp.HCM: Không cấp phép xây dựng cao ốc tại các tuyến đường hay kẹt xe

Thứ sáu - 18/01/2019 16:04

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, Tp.HCM sẽ không cấp phép xây dựng cho những công trình cao ốc tập trung đông người tại những trục đường, khu vực chưa có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt.

 

“Ngộp thở chung cư”

Tại một số khu vực trên địa bàn Tp.HCM hiện nay, mặc dù đường không được mở rộng nhưng các chung cư vẫn lần lượt mọc lên. Thậm chí có những tuyến đường như Trịnh Đình Thảo (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú), đoạn từ ngã tư Kênh Tân Hóa đến ngã tư Lũy Bán Bích dù chưa đầy 1km nhưng có đến 5 chung cư được xây dựng. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tại đây chưa thể đáp ứng đủ.

Tình trạng chung cư liên tục được “nhét” vào các tuyến đường chưa hoàn chỉnh hạ tầng được nhiều người ví von là “ngộp thở chung cư”.

Theo một đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM, khi xem xét cấp phép xây dựng cho các dự án chung cư, cơ quan cấp phép phải tiến hành đối chiếu với các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch như tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... của khu vực xây dựng công trình.

Nếu dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch thì mới được giao đất, chấp thuận chủ đầu tư cũng như cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, mặc dù đúng quy hoạch nhưng thực tế hiện nay tại nhiều khu vực, tốc độ xây dựng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật vẫn không bắt kịp tốc độ phát triển của các dự án. Đặc biệt, hạ tầng một số khu vực bị quá tải do phát triển dự án khoét lõm trong các khu dân cư hiện hữu mà hệ thống hạ tầng giao thông, cấp nước còn yếu kém.

Tuy nhiên, khi dự án đã đáp ứng đủ điều kiện theo điều 91 Luật xây dựng 2014, đảm bảo thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở thì không có cơ sở nào ngưng việc cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư.

cấp phép xây dựng
Một số tuyến đường không được mở rộng, nhưng vẫn có nhiều chung cư
đã và đang “mọc lên”. Trong ảnh là đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Ảnh: Quang Định

Có kế hoạch hạ tầng để chủ đầu tư tiên liệu

Lãnh đạo Sở GTVT Tp.HCM cho biết, vì thủ tục hành chính không có yêu cầu lấy ý kiến của sở nên nhiều năm qua sở không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc. Việc không yêu cầu lấy ý kiến của sở là do sợ thời gian bị kéo dài và gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của nhà đầu tư.

Vì vậy, việc các cao ốc liên tục "mọc" lên ở các khu trung tâm trên các tuyến đường chưa được mở rộng đúng quy hoạch đã làm tăng áp lực giao thông trên nhiều khu vực đông dân cư.

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT thành phố cho hay, gần đây, Sở QH-KT đã chuyển cho sở góp ý về những dự án xây cao ốc khu dân cư. Và sở đã yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn để đánh giá tác động đến giao thông, đồng thời cùng Nhà nước mở rộng hẻm, mở rộng đường...

Để giảm thiểu tác động đến giao thông, chuẩn hóa việc đầu tư xây dựng các công trình, Sở GTVT đã thuê đơn vị tư vấn đề xuất quy trình (dự kiến hoàn thành trong năm nay) để xem xét theo tác động về giao thông, quy mô, phạm vi dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư... Theo đó, chủ đầu tư sẽ tiến hành phân kỳ thực hiện dự án để đảm bảo phù hợp với hạ tầng giao thông...

Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết, từ lâu các chuyên gia đã kiến nghị thành phố chậm cấp phép xây dựng cho những tòa cao ốc nằm trên những trục đường chính thuộc khu vực trung tâm và hạ tầng đang quá tải.

Thực tế, việc cấp phép xây dựng cho những công trình cao tầng không sai quy hoạch, nhưng quy hoạch đó là của 20 năm nữa khi cầu đường được sửa, có bãi xe ngầm, hoàn thành 7 tuyến metro... thì việc cấp phép là đúng.

Vì “muốn” cho chủ đầu tư làm nhanh nên cơ quan chức năng lấy quy hoạch của tương lai ra để cấp phép. Dù không sai nhưng việc này tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng hiện hữu.

GS.TS Nguyễn Trọng Hòa

​Xác định có chủ đầu tư thì thành phố cũng phải lên kế hoạch thực hiện. Cụ thể, ngoài các văn bản, các sở, ngành có liên quan cũng cần báo cáo UBND thành phố để lập kế hoạch về hạ tầng các trục đường chính trên địa bàn.

Kế hoạch này cũng giúp nhà đầu tư có kế hoạch, tiên liệu được việc phát triển dự án để phục vụ kinh doanh. Kế hoạch đó nêu rõ khu vực chưa cho xây, bao giờ hạ tầng được hoàn thành và cấp phép xây dựng. Thậm chí, khi có kế hoạch rồi, trước khi hạ tầng hoàn thành 1-2 năm, cơ quan cấp phép có thể cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư.

Người cấp phép phải chịu trách nhiệm khi kẹt xe, ngập nước

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho hay, luật về đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư cần được sửa theo hướng Nhà nước tự bỏ tiền ra và tính lại cho chủ đầu tư để thuê đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường, từ đó cơ quan thẩm quyền quyết định có cấp phép cho công trình hay không.

Khi cấp phép cho một công trình đã có đầy đủ đánh giá tác động, cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm nếu vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe, ngập nước.


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây