Ông Lê Văn Khoa đã nói về cơn sốt giá đất ảo vừa qua trong buổi làm việc về tình hình kinh tế, xã hội của Tp.HCM trong 5 tháng đầu năm ngày 29/5. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố và các sở ngành, quận huyện, tình hình đã được chấn chỉnh.
Phó Chủ tịch phụ trách khối giao thông, đô thị nhìn nhận, đây là một bài học sâu sắc với thành phố. Ông Khoa nhấn mạnh: "Bài học này cho Tp.HCM một kinh nghiệm là phải luôn bảo đảm tính công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất".
Theo ông Khoa, có 2 việc gấp rút thực hiện là công khai quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất đến tận các quận huyện, xã, phường. Đó là trách nhiệm của ngành quy hoạch kiến trúc, tài nguyên môi trường và cả các quận, huyện.
Ông yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phải làm xong phần mềm vào cuối năm để người dân có thể tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi qua chiếc điện thoại thông minh. Từ đó, hạn chế tình trạng bị lừa, bị thổi giá khi tiến hành giao dịch nhà đất.
Lãnh đạo Tp.HCM khẳng định cơn sốt giá đất ảo tại Tp.HCM đã được chấn chỉnh. Ảnh: H.C. |
Trước đó, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (Horea) đã kiến nghị UBND Tp.HCM thông tin chính xác việc chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh lên quận; hay việc thành lập tổ chức hành chính thành phố trong thành phố ở khu Nam, khu Đông, khu Tây. Đây là những thông tin đã góp phần tạo nên cơn sốt giá đất ảo.
Cùng với đó, đơn vị này cũng kiến nghị thành phố yêu cầu các nhà đầu tư có dự định xây dựng các siêu đô thị ở Cần Giờ, Củ Chi nhanh chóng trình dự án, để xét duyệt và sớm công bố kết quả nhằm giúp người dân nắm rõ thông tin. Điều này sẽ hạn chế giới đầu nậu, cò đất lợi dụng để thổi giá, đẩy giá đất nền.
Đồng thời, với giới đầu nậu, cò đất đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, Hiệp hội đề nghị chính quyền chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý chặt hoạt động kinh doanh BĐS này. Có trường hợp cò đất núp bóng doanh nghiệp, chủ đất để kinh doanh BĐS trái quy định.
Tại cuộc họp sáng nay, về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Sử Ngọc Anh cho biết, trong 5 tháng đầu năm, thành phố đã chi 76.500 tỷ đồng (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái) để xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm, cấp bách.
Số tiền này phần lớn dành cho các dự án cầu, đường, thoát nước… Thành phố đã tập trung cho dự án cầu vượt bằng thép tại nút giao Ngã Sáu Gò Vấp với việc giải phóng mặt bằng gói thầu nhánh cầu Nguyễn Oanh - Phạm Ngũ Lão và thông xe một nhánh đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm; dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên bằng việc tăng khối lượng lắp ghép các nhịp cầu; dự án cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm...
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách đạt 147.461 tỷ đồng, đạt 42,39% dự toán năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tăng gần 23%, từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 9,24%, từ dầu thô tăng 27%.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn