Đất "vàng" của nhiều doanh nghiệp biến thành dự án siêu lợi nhuận

Thứ sáu - 18/01/2019 16:03

Đất "vàng" của nhiều doanh nghiệp biến thành dự án siêu lợi nhuận

Đất đô thị nội đô đang được sử dụng tùy tiện do "chạy" theo lợi nhuận, phục vụ lợi ích của chủ đầu tư. Đất "vàng" của nhiều nhà máy, xí nghiệp bỗng biến thành các dự án siêu lợi nhuận...

Tại buổi hội thảo với chủ đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất xây dựng đô thị, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại trong việc sử dụng đất đô thị.

Cụ thể như tập trung quá lớn vốn đầu tư, sử dụng đất đô thị để xây nhà ở trong khi quỹ đất và kinh phí để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn rất hạn chế khiến giao thông ùn tắc, ngập úng. Đây cũng là lý do khiến các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới không phát triển, các dự án treo, chậm triển khai vì không thu hút được người đến ở, làm việc.

Tại các khu nội đô cũ, đất đô thị cũng đang được sử dụng tùy tiện, thậm chí “chạy” theo lợi nhuận, phục vụ lợi ích của chủ đầu tư và những người liên quan. Khu đất sau khi di dời các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội đô đã trở thành các dự án siêu lợi nhuận. Trong khi đó, đất làm hồ điều hòa, trường học, cây xanh… vẫn trong tình trạng thiếu hụt. Điều này khiến mật độ dân số gia tăng, trái với chủ trương giảm mật độ dân số tại khu vực nội đô.

Không chỉ vậy, nhiều bệnh viện tại khu vực trung tâm đã quá tải nhưng vẫn được cấp phép mở rộng; nhiều dự án khách sạn, cơ quan công sở… vẫn tập trung ở nội đô gây ách tắc giao thông.

đất vàng doanh nghiệp
Đất đô thị đang được sử dụng một cách tùy tiện Ảnh: Minh Thư

Theo ông Hùng, nguyên nhân của những tồn tại trên là công tác quản lý sau quy hoạch chung còn thực hiện chậm, chưa đồng bộ. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết thấp (35%) dẫn đến cơ chế "xin cho" tùy tiện trong việc cấp phép và điều chỉnh quy hoạch. Các dự án được cấp phép xây dựng tràn lan, đất đô thị sử dụng cho các dự án nhà ở không phù hợp với dự báo phát triển dân số và kinh tế - xã hội. Khi các công trình trái phép, không phép diễn ra phổ biến, công tác quản lý sử dụng đất đô thị còn nhiều bất cập…

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc sử dụng đất đô thị: với đất công là các loại đất do nhà nước quản lý, đất quốc phòng chuyển sang dân dụng, đất do các tập đoàn, cơ quan, công ty quản lý. Các loại đất này chỉ được định giá, bán hóa giá - cổ phần hóa chứ không được bán. Vì thế, loại đất này phải thu về làm đất công và thực hiện bán đấu giá theo những chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được phê duyệt.

Ông Đực nói, tránh dung túng cho nhà đầu tư “chạy” điều chỉnh quy hoạch, như vậy chỉ có người trúng thầu được lợi lớn. Nhà nước chỉ nên hỗ trợ di dời và bồi thường phần xây dựng. Nếu làm tốt việc này, hàng năm có thể thu lợi hàng trăm ngàn tỷ đến hàng triệu tỷ đồng.

Về đất chung cư cũ, ông Đực cho biết, chung cư cũ đã được sử dụng trên dưới 50 năm trong điều kiện “cha chung không ai khóc” đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bật cứ lúc nào.

Vì vậy, quận, huyện cần vận động người dân ở đó hiểu rõ về nguy cơ có thể xảy ra để họ chấp nhận “một đổi một”. Chính quyền cần đưa ra các chỉ tiêu để doanh nghiệp đấu thầu, lên phương án quy hoạch kiến trúc. Khi đó, chính quyền còn có thể còn một số tiền dư ra để làm công ích khác.

Ông Đực cũng cho rằng, chuyện giải tỏa đất nghĩa trang là đương nhiên và cần thiết để phát triển đô thị, không thể nào cứ để bến xe - nhà xưởng - nghĩa trang - bệnh viện - trường học… trong thành phố mãi được. Theo ông, cần có một ban quản lý cấp quận hoặc cấp thành phố làm quy hoạch nhằm cung cấp tiện ích xã hội chứ không phải để kinh doanh. Sau đó bán đấu giá theo đúng quy hoạch kiến trúc, tránh làm thất thoát, tham nhũng.

Ông Đực nói thêm: “Điều tiên quyết là phải quản lý nghiêm việc sử dụng đất đô thị theo quy hoạch, có chế tài nghiêm để xử lý việc sử dụng sai mục đích và dung túng cơ chế “xin - cho”. Nếu không, lợi ích của việc sử dụng đất đô thị không chỉ rơi vào một nhóm người mà còn để lại cho toàn xã hội nhiều hệ lụy xấu”.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đưa ra một giải pháp khắc phục những tồn tại của việc sử dụng đất đô thị là cần có cơ chế quản lý đô thị đặc biệt. Giải pháp này nhằm khắc phục việc mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất đô thị giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cũng như những yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc giám sát, thanh, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, quy hoạch đô thị và kế hoạch sử dụng đất xây dựng đô thị.


 
(Theo Infonet)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây