Với việc xây dựng đề án phát triển “thành phố thông minh” gắn với những mục tiêu cụ thể, “sát sườn” để phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chuyên gia đánh giá Bình Dương đang có cơ hội bứt phá, thay đổi về chất lượng sau nhiều năm thu hút đầu tư.
Quốc lộ 13 về đêm. Ảnh: T.D
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương - cho biết:
- Đề án phát triển "thành phố thông minh" Bình Dương với các kế hoạch cụ thể như: phát triển mối liên kết giữa nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp, phát triển khu công nghiệp KHCN, đầu tư tuyến đường sắt vận chuyển container… chính là một mô hình, cách làm để thể hiện khát vọng vươn lên của các thế hệ lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân Bình Dương.
Các nội dung của đề án thành phố thông minh chính là một bước để cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa nghị nguyết về 4 chương trình hành động đột phá đã được Tỉnh ủy Bình Dương thông qua về các lĩnh vực: huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân; nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học -kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới; tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị...
Ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương
Tỉnh xuất siêu
Khi sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), mặc dù nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi cũng phấn khởi khi các mục tiêu đặt ra đã đạt được, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tiêu biểu như phát triển công nghiệp đã trở thành "thương hiệu" của Bình Dương trong những năm qua. Công nghiệp của tỉnh liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân tăng 9,6% (nghị quyết là 8,7%), qua đó thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bình Dương không chỉ tự hào là "miền đất hứa" chào đón, tạo cơ hội việc làm cho người dân khắp nơi tới làm ăn, sinh sống; mà giá trị sản xuất tại tỉnh liên tục có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Tiêu biểu như Bình Dương luôn là tỉnh "xuất siêu", tổng thặng dư thương mại năm 2016, 2017 và nửa đầu năm 2018 đạt 12,4 tỉ USD.
Môi trường đầu tư tốt, chính sách thông thoáng tạo ra sự tin tưởng, phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước.
Sự phát triển về kinh tế mang lại những thay đổi tích cực cho đời sống người dân. Bình Dương là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí chung của cả nước. Cơ quan chức năng của tỉnh vẫn tiếp tục có nhiều chính sách, giải pháp chăm lo cho người lao động.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội của Bình Dương đã thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đến nay đã đưa vào sử dụng 25 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn hàng trăm ngàn m2, ngoài ra còn có khoảng 200 doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho công nhân với tổng diện tích khoảng 27.000m2…
Ông Trần Văn Nam (thứ tư từ phải sang) và lãnh đạo tỉnh Bình Dương tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Hướng đi mới
Kết quả đạt được của Bình Dương trong thời gian qua là rất quan trọng và đáng phấn khởi. Bình Dương sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời đúc kết kinh nghiệm để có những giải pháp tạo ra những bước đột phá mới cho sự phát triển của tỉnh.
Lấy ví dụ như thời kỳ trước đây, Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong phát triển khu công nghiệp, "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư và đã khá thành công. Nhưng tới nay, nhiều tỉnh thành khác cũng đã phát triển công nghiệp với những lợi thế riêng. Vì vậy, Bình Dương luôn suy nghĩ, tìm tòi cách đi mới để có thể cạnh tranh, tiếp tục phát triển với chiều sâu, chất lượng hơn.
Tiêu biểu như trong thu hút đầu tư, tới nay Bình Dương định hướng thu hút các ngành nghề khoa học kỹ thuật, mang lại giá trị thặng dư cao. Khu công nghiệp khoa học công nghệ mà tỉnh định hướng phát triển trong đề án "thành phố thông minh" cũng là vì thế. Ngoài ra, để phát triển bền vững thì Bình Dương luôn định hướng gắn kết hạ tầng đối với TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận.
Rất nhiều dự án hạ tầng được nhà nước định hướng, có sự tham gia của doanh nghiệp đã và sẽ được triển khai tại Bình Dương tạo sự kết nối. Theo tinh thần của mô hình "ba nhà" trong đề án thành phố thông minh thì nhà nước không ôm đồm, mà vạch ra chiến lược, chính sách, cơ chế để thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp vào các vấn đề phát triển.
Vấn đề nguồn nhân lực, nhân sự là một yếu tố then chốt để phát triển. Bình Dương có nhiều chính sách để phát triển các trường đại học, trường nghề, có các chính sách khuyến khích, thu hút người tài, đào tạo bác sĩ… qua đó sẽ tạo nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Kiện toàn bộ máy nhân sự
Thời gian vừa qua, tỉnh Bình Dương đã kiện toàn nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt. Ông Nguyễn Hoàng Thao - nguyên giám đốc Công an tỉnh Bình Dương được bầu và phê chuẩn làm phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy. Ông Võ Văn Minh - nguyên Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh. Ngoài ra, nhiều vị trí lãnh đạo Công an tỉnh, Thành ủy Thủ Dầu Một… cũng mới được điều động, bổ sung theo đúng quy định.
Tạo cơ chế để huy động nguồn lực
Theo ông Trần Văn Nam, thời gian qua Bình Dương đã bước đầu huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội, với nhiều phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiêu biểu như các dự án: đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Cầu Thới An, đường từ cầu Thới An đến ĐT748 (là các dự án thuộc các đoạn tuyến nằm trên đường Vành đai 4 TP.HCM). Phối hợp với Đồng Nai xây dựng cầu Bạch Đằng 2 (kết nối thành phố mới Bình Dương, tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng... với tỉnh Đồng Nai). Đang triển khai phối hợp với Tây Ninh đầu tư đường và cầu 6 làn xe, kết nối từ Dầu Tiếng, Bình Dương để băng qua sông Sài Gòn, nối với huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh...
Những công trình này, cùng với những công trình giao thông đối ngoại đã được đầu tư trước đó (QL13, ĐT741, ĐT743, ĐT747, ĐT744, cầu Thủ Biên, đường Mỹ Phước - Tân Vạn…) đã phát huy vai trò tích cực trong kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|