Bùng phát vi phạm trật tự xây dựng vì dễ được 'hợp pháp hóa'

Thứ tư - 07/11/2018 12:18

Công trình xây dựng ngoài giấy phép từ vài trăm đến cả nghìn m2, nhưng vi phạm chỉ được phát hiện ở thời điểm “gạo đã thành cơm”.

11aa-ezln-1454459174727

Sau đó vi phạm lại dễ dàng được hợp pháp hóa bằng các văn bản chấp thuận điều chỉnh của cơ quan chức năng - đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều chỉnh nâng tầng, “hợp pháp hóa”

Nhìn lại “Năm trật tự văn minh đô thị” 2014 - 2015, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước việc chung cư Yên Hòa - Thăng Long tại tổ 50 Yên Hòa, do Cty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư nhiều lần bị UBND phường Yên Hòa đình chỉ thi công nhưng vẫn cố tình tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn.

Điều đáng nói, công trình này lại được cơ quan chức năng Hà Nội liên tục “ưu ái” cho “leo tầng” theo đề xuất của chủ đầu tư.

Tháng 1/2013, dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn khởi công dẫn đến việc UBND phường Yên Hòa ra quyết định đình chỉ thi công. Sau khi bị đình chỉ thi công, Cty TNHH Thăng Long đã hoàn thiện hồ sơ và được cơ quan hữu trách Hà Nội cấp giấy phép xây dựng 17 tầng.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công chủ đầu tư chung cư Yên Hòa - Thăng Long “bỏ quên” giấy phép xây dựng khi tự ý xây sai phép 10 tầng, nâng tổng số tầng lên 27.

Điều đáng nói là sau đó được cơ quan chức năng hợp pháp hóa việc nâng tầng này bằng văn bản chấp thuận đề xuất điều chỉnh quy mô tòa nhà của chủ đầu tư. Tưởng như Cty TNHH Thăng Long sẽ nghiêm túc tuân thủ văn bản điều chỉnh này, nhưng đến tháng 10/2015, các cơ quan chức năng lại phát hiện chung cư Yên Hòa - Thăng Long xây dựng trên 30 tầng, buộc Bộ Xây dựng phải ra quyết định thành lập đoàn thanh tra đối với dự án chung cư Yên Hòa- Thăng Long.

Phát hiện khi “gạo nấu thành cơm”

Trở lại tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Căn cứ kết quả thẩm định quy hoạch, kiến trúc, tiêu chuẩn xây dựng của các cơ quan chức năng, ngày 14/5/2009, Sở Xây dựng cấp Giấy phép số 65/GPXD cho Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy triển khai Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà chung cư cao tầng để bán và cho thuê tại địa chỉ 302 đường Cầu Giấy (dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy).

Dự án được cấp phép xây dựng gồm 5 tầng hầm thông nhau, 5 tầng khối đế thông nhau, 1 tầng cây xanh và khu Văn phòng - chung cư cao cấp với tổng số 54 tầng.

Nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư lại “bỏ quên” số tầng thể hiện trên GPXD, tự ý xây cơi nới thêm tầng khối đế (phần diện tích được duyệt làm Trung tâm thương mại thông nhau) không có trong giấy phép.

Giấy phép số 65/GPXD do Sở Xây dựng Hà Nội cấp quy định rõ công trình gồm 5 tầng khối đế và 1 tầng cây xanh, nhưng Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Cầu Giấy lại cho mình quyền nâng tầng khối đế lên con số 8.

Công trình vi phạm là một tổ hợp công trình sang trọng quy mô lớn, nhưng những vi phạm tại dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy chỉ được phát hiện ở thời điểm chủ đầu tư đã xây dựng 5 tầng hầm, 8 tầng khối đế, 1 tầng cây xanh, 2 khối nhà cao trên 30 tầng (thể hiện tại Quyết định số 70/QĐ-CT.UBND ngày 31/10/2015 của Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng).

Theo quy định, UBND phường và Đội Thanh tra xây dựng quận là đơn vị giữ vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện GPXD của chủ đầu tư. Thế nhưng với dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy, quy trình giám sát thực hiện GPXD của UBND phường Dịch Vọng và Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy lại không được thực hiện, vì thế mới xảy ra việc công trình vi phạm bị đình chỉ khi số tầng khối đế nằm ngoài giấy phép đã bị 30 tầng nhà “đè” lên.

Vi phạm xảy ra ở dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy là rất nghiêm trọng, nhưng mức phạt hành chính “kịch khung” UBND quận Cầu Giấy được phép ban hành chỉ dừng lại ở con số 80 triệu đồng, đi kèm là yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin điều chỉnh GPXD? Nếu những vi phạm tại dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy được cho qua bằng văn bản điều chỉnh GPXD, ai dám chắc sẽ không có những công trình vi phạm kiểu như Discovery Complex 2, 3, 4,... xuất hiện trong tương lai?

Cần siết lại cơ chế phạt tiền cho tồn tại

Trao đổi với phóng viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố Hà Nội thực ra là việc rất đơn giản, vấn đề là có muốn xử lý hay không. Để hạn chế và tiến tới đẩy lùi tình trạng vi phạm TTXD đang bùng phát, trước hết UBND thành phố Hà Nội cần phải kiên quyết xử lý, công trình vi phạm.

Trong đó, cần cắt, phá bỏ những phần công trình vi phạm mới giải quyết được cốt lõi vấn đề. Thứ hai, cần làm rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cấp phường, cấp quận. Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên.

Thứ ba, cần siết lại cơ chế phạt cho tồn tại. “Công trình xây dựng bị kết luận vi phạm thì chỉ áp dụng biện pháp duy nhất là cắt bỏ mới giữ được kỷ cương. Chúng ta dễ nhận thấy một điều, chủ công trình vi phạm khi bị phát hiện thường viện dẫn ra rất nhiều lý do để xin xỏ, sau đó làm một số “động tác” nữa là có thể được áp dụng cơ chế phạt cho tồn tại rất dễ dàng”, ông Võ nói.

Theo ông Đặng Hùng Võ, muốn hạn chế vi phạm TTXD thì UBND thành phố Hà Nội không được để tồn tại bất cứ ngoại lệ nào, không cho tồn tại công trình vi phạm ngang nhiên phá vỡ quy hoạch và không gian của thành phố.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Chính quyền dễ dàng thỏa hiệp

Sau hơn hai năm nhìn lại, hiệu quả của Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội là nỗi thất vọng lớn. Rất nhiều phố được khoanh “lõi” như Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đồng, Hàng Cót, Bảo Khánh, Gia Ngư… bị giới hạn xây cao không quá 4 tầng, tổng chiều cao 12 - 16m, nhưng có rất nhiều cao ốc cao 8 - 11 tầng, “đâm thủng” giới hạn chiều cao và mật độ xây dựng.

Với những gì đang diễn ra, rõ ràng công tác giám sát thực hiện Quy chế này đã bị UBND quận Hoàn Kiếm, chính quyền các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không thực hiện nghiêm từ đầu nên dẫn đến tình trạng vi phạm mọc như “nấm sau mưa” hiện nay.

Hiện, thành phố Hà Nội đang bỏ ra nguồn ngân sách khổng lồ để duy trì bộ máy quản lý, giám sát thực hiện giấy phép xây dựng và quy hoạch từ Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận, phường. Với lực lượng giám sát như vậy, chỉ cần công trình nhỏ khởi công tất cả đều biết, nói gì đến các tòa nhà cao cả chục tầng.

Qua thông tin báo chí hàng ngày có thể thấy rõ vi phạm trật tự xây dựng đang trở thành bệnh “nan y” khó chữa, đe dọa nghiêm trọng quy hoạch – kiến trúc của Thủ đô. Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chính quyền thỏa hiệp quá dễ dàng với chủ công trình vi phạm, cùng những cán bộ liên quan đến việc cấp phép – giám sát thực hiện giấy phép xây dựng. Trước công trình 8B Lê Trực, UBND thành phố từng tuyên bố sẽ “cắt ngọn” công trình này, công trình kia nhưng rồi lại “hòa cả làng”. Công trình vi phạm được bình an, trong khi cán bộ vi phạm thậm chí được thăng chức, thì có ai sợ? Chỉ cần những người có trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội kiên quyết cưỡng chế công trình, đưa ra xử lý nghiêm khắc tất cả những cán bộ có liên quan thì chẳng ai dám tái phạm.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây