Quỹ đầu tư châu Á: Mua cổ phiếu Việt Nam, đừng mua Trung Quốc

Thứ bảy - 03/11/2018 04:25

Deng Jiewen - Giám đốc quỹ FengHe Asia tỏ ra bi quan về nền kinh tế lớn nhất châu Á, nhưng lại nhận thấy cơ hội tốt tại Việt Nam và Philippines.

Năm ngoái, quỹ của Deng đã có lời lớn khi bán khống cổ phiếu các công ty Trung Quốc từ trước tháng 6. Đây là thời điểm thị trường bắt đầu lao dốc do lo ngại đà tăng nhờ vay mua chứng khoán không bền vững. FengHe Asia cũng bán các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong. Năm ngoái, cả Shanghai Composite và Hang Seng China Enterprises Index đều mất hơn 40% so với đỉnh giữa năm.

Deng nhận xét các nền kinh tế Đông Nam Á đang làm tốt hơn Trung Quốc trong việc thúc đẩy nhu cầu trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các cổ phiếu Trung Quốc đang đối mặt với tương lai khó khăn, do lợi nhuận giảm. Năm ngoái, tài sản quỹ của Deng đã tăng tới 20%, trong khi chứng khoán châu Á đi xuống.

chung_khoan_01

Chứng khoán Việt Nam được đánh giá hấp dẫn hơn Trung Quốc. Ảnh: VIR

FengHe là một trong những quỹ đầu tư đang đổ vốn vào thị trường nhỏ châu Á, khi triển vọng Trung Quốc kém sáng sủa. John Foo - Giám đốc quỹ Kingsmead Asset Management năm ngoái cũng gọi Việt Nam là "ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm" ở Đông Nam Á.

"Chúng tôi vẫn khá lạc quan vào kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ở Việt Nam. Philippines thì có cấu trúc dân số và kinh tế vững. Nước này cũng đang ngày càng thân thiện với vốn đầu tư nước ngoài", Deng cho biết.

Mục tiêu tăng trưởng năm nay của Việt Nam là 6,7% - thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Năm 2015, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 100 triệu USD cổ phiếu Việt Nam. Đây là năm thứ 10 liên tiếp họ mua ròng, trong bối cảnh nhiều thị trường châu Á khác lại bị rút ròng.

Tại Philippines, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 16,4% tháng 11 năm ngoái, lên 464 triệu USD. Số liệu này 11 tháng đầu năm 2015 là 5,5 tỷ USD, theo Ngân hàng Trung ương Philippines.

Trong một năm tính đến hết tháng 1 năm nay, FengHe nằm trong top 2% quỹ đầu tư vào châu Á có thành tích tốt nhất, trong 188 quỹ được hãng cung cấp dữ liệu Eurekahedge theo dõi. Dù vậy, đầu năm nay, quỹ này cũng không thoát khỏi tình trạng chung khi chứng khoán toàn cầu và giá tài sản lao dốc, tiền tệ các nước biến động và tín nhiệm bị tụt hạng. Tài sản của họ đã mất 3,8% hồi tháng 1.

FengHe thuộc F&H Fund Management - một hãng quản lý tài sản đồng sáng lập bởi John Wu - cựu Giám đốc Công nghệ tại Alibaba. Quỹ này chú trọng vào các mảng du lịch, phương tiện sử dụng năng lượng mới, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng tại châu Á.

VN-Index của Việt Nam đã tăng liên tục 4 năm qua, dù từ đầu năm mất 1,5%. Lợi nhuận các công ty trong chỉ số Philippine Stock Exchange cũng được dự báo tăng mạnh trong 12 tháng tới, số liệu của Bloomberg cho biết.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc năm nay tiếp tục đi xuống. Shanghai Composite Index đã xuống thấp nhất 14 tháng hồi cuối tháng 1, do các tín hiệu nền kinh tế này đang ngày càng chậm lại. Lợi nhuận của các công ty trong chỉ số này được dự báo giảm trung bình 3% năm nay, theo Morgan Stanley.

"Phần lớn nhà đầu tư đều nhận thấy cổ phiếu tại Trung Quốc đang ngày càng rẻ đi. Tăng trưởng lợi nhuận cũng giảm sút với hầu hết các lĩnh vực", Deng cho biết. Giới chức Trung Quốc đã phải tăng tỷ lệ ký quỹ với các hợp đồng tương lai, buộc các hãng môi giới hạn chế cho vay chứng khoán và nhờ cảnh sát điều tra những kẻ bán khống "gây nguy hiểm đến thị trường".


Theo VnExpress

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây