Không có dòng tiền nóng đổ vào ngoại tệ

Thứ bảy - 03/11/2018 15:33

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, không có hiện tượng doanh nghiệp tăng mua USD bất thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn đều đặn bán ngoại tệ cho ngân hàng, không có tình trạng “đóng băng” như giai đoạn trước.

viethome-tai-chinh-chung-khoan-04

Các giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng vẫn diễn ra bình thường trong tuần qua.

 
Không có hiện tượng mua trước hoặc đóng băng ngoại tệ
 
Giá USD trên thị trường tăng vùn vụt trong tuần qua, đặc biệt, giá USD chợ đen đã có lúc lên tới 23.600 đồng/USD, vượt xa thị trường chính thức. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối của Ngân hàng VIB, đã từ lâu, diễn biến của thị trường chợ đen không còn mấy tác động đến thị trường chính thức. Quan trọng hơn, các giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng mua trước ngoại tệ hay găm giữ không bán cho ngân hàng.
 
“Cầu ngoại tệ mấy tuần qua có tăng nhẹ, nhưng chủ yếu là do nhu cầu thanh toán cuối năm. Các giao dịch USD chủ yếu theo nhu cầu thực, không có yếu tố đầu cơ như những năm trước. Tại VIB, chúng tôi không thấy dòng tiền đổ xô vào mua ngoại tệ và các doanh nghiệp vẫn bán ngoại tệ bình thường cho Ngân hàng”, ông Trung nói.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Ngân hàng VietinBank, Vietcombank cũng khẳng định, giao dịch ngoại tệ tại các ngân hàng này mấy tuần qua đều diễn ra hết sức bình thường. “Các doanh nghiệp đã quen với cơ chế mua bán theo tỷ giá trung tâm và vẫn giao dịch bình thường theo nhu cầu. Không có hiện tượng găm giữ hay đóng băng ngoại tệ”, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho hay.

viethome-tai-chinh-chung-khoan-05

Theo nhận định của giới chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng, tỷ giá tăng thời gian qua chủ yếu do tác động của giá thế giới, chứ không phải do căng thẳng cung cầu và cũng không có yếu tố đầu cơ, nên dù đà tăng có tiếp tục kéo dài thì vẫn không đáng lo.
 
Mặt khác, dù tỷ giá trong tháng 11/2016 biến động mạnh, song những tháng đầu năm, tỷ giá thậm chí còn giảm so với cuối năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá tăng chưa đầy 1%, cho thấy, đồng tiền Việt Nam vẫn cơ bản ổn định. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy nắm giữ tiền đồng có lợi hơn: USD tăng giá 1% nhưng lãi suất tiền gửi là 0%, trong khi tiền đồng mất giá chưa đến 1%, lãi suất 6%/năm.
 
Khi nào Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp?
 
Trước diễn biến “nóng” của USD tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên tiếng để trấn an và định hướng thị trường. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những điễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước trong thời gian qua là dễ hiểu, vì từ đầu năm 2016, NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.
 
Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường ngoại hối, NHNN thấy rằng, về cơ bản cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. 
Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, tỷ giá tăng nhanh trong thời gian ngắn vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý và cảnh báo USD có thể diễn biến đảo chiều trong thời gian tới. NHNN khẳng định, cung ngoại tệ thời gian tới tiếp tục dồi dào trong khi cầu ngoại tệ không có áp lực lớn. “NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường”, bà Hồng khẳng định quyết tâm giữ ổn định thị trường ngoại hối.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho hay, họ đang theo dõi sát sao diễn biến của tỷ giá để có sự ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, mức biến động chưa đến 1% hiện nay là khá thấp và đã nằm trong dự phòng từ đầu năm của doanh nghiệp.
 
Câu hỏi đặt ra là liệu tỷ giá có tiếp tục tăng nữa và khi nào NHNN nên can thiệp thị trường? Theo ông Lê Quang Trung, dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam đang cao kỷ lục, cán cân thanh toán thặng dư, kiều hối gia tăng… Đây chính là cái “gốc” đảm bảo cho ổn định tỷ giá thời gian tới, nhìn từ góc độ cung cầu. Do đó, dù USD có tiếp tục tăng, thì đồng Việt Nam dù có bị tác động, cũng sẽ không lớn.
 
Có ý kiến cho rằng, khi USD tăng giá, Việt Nam cần phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu. Song một phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nhiều nước sử dụng chính sách phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu đã không thu lại kết quả như mong đợi, cái mất nhiều hơn cái được.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, NHNN chưa cần can thiệp. Tuy nhiên, cơ quan điều hành cũng cần theo dõi sát diễn biến của các đồng tiền trong rổ tiền tệ và theo dõi động thái của các quốc gia là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam để có sự điều chỉnh kịp thời, đồng thời liên tục đưa ra thông tin định hướng để thị trường an tâm. Sự can thiệp chỉ nên thực hiện khi thị trường “đóng băng” các giao dịch, bên bán không muốn bán và bên mua cố mua.


Theo Báo Đầu tư

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây