Hiện tại, giữa lúc thị trường nhà ở còn đang trong cảnh phập phồng chờ ... chính sách (tín dụng, thực thi các đạo luật, quy định quản lý bất động sản mới có hiệu lực), phân khúc đất dịch vụ lại tỏ ra sôi động khác thường.
Không khó để tìm kiếm các thông tin chào bán lô đất dịch vụ với tấm áo 'chính chủ' trên mạng Internet, hay trao đổi trực tiếp với nhiều môi giới hoạt động… tự do (cò đất).
Phần đa các chủ nhân rao bán đều khẳng định tính pháp lý sản phẩm đảm bảo 100% thậm chí cả độ hấp dẫn 'khó chối từ' đến từ giá thành, giá trị lợi nhuận trong tương lai nếu giao dịch thành công.
Khảo sát qua hàng trăm trang blog do cá nhân tự lập nên (và được phát tán rộng rãi trên các công cụ như Google, Facebook để tăng view), người viết đã tiếp cận trang datdichvuvanphuc.blogspot như một ví dụ điển hình.
Cụ thể một sản phẩm đất dịch vụ trên trang web này được mô tả như sau: Chính chủ cần bán đất dịch vụ Vạn Phúc. Lô góc LK7C. Đối diện trường cấp 1,2. Đã có đầy đủ hạ tầng, giấy tờ đầy đủ, xây nhà 6 tầng luôn. Giá 68 triệu đồng/m2. Mobile: 098.775.xxxx.
Còn trên một website bất động sản khác, chủ nhân số đt 0169.944.xxxx tự giới thiệu là chính chủ cần rao bán hàng loạt lô đất dịch vụ tại các khu A,B,C,D Dương Nội (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
Trong số đó có 5 lô đất ở khu D được 'quảng cáo' với nội dung: nằm liền kề khu đô thị Đô Nghĩa, vị trí đẹp không có hố ga, bốt điện nằm cuối đường Lê Văn Lương kéo dài, khu đô thị đã được quy hoạch sẽ có hồ, bệnh viện và trường học, giao thông thuận tiện, gần chợ. Yếu tố pháp lý cũng được thể hiện khá 'mùi mẫn': Đã nộp tiền cơ sở hạ tầng, chỉ cần công chứng có thể xây nhà ở ngay.
Nhưng khi PV tìm hiểu ngọn nguồn thì được biết, thực chất 'chính chủ' hàng loạt lô đất dịch vụ nêu trên cũng xuất phát từ một văn phòng môi giới bất động sản đặt tại khu vực Hà Đông (tạm hiểu là môi giới hoặc nhà đầu tư thứ cấp gửi bán – PV). Trong đó, dòng sản phẩm 'trọng tâm' của văn phòng này chủ yếu là đất dịch vụ, đất liền kề tại Phú Lương, Văn Khê.
Rất dễ tìm nguồn đất dịch vụ nhưng chất lượng của dòng sản phẩm này lại phụ thuộc vào rất nhiều quy định pháp luật |
Còn nhớ giai đoạn 2010-2012 (khoảng 3-4 năm sau khi Hà Nội được mở rộng) đã chứng kiến thảm cảnh rất nhiều khách hàng trót tin lời ngon ngọt của môi giới lao vào các giao dịch đất dịch vụ 'ảo'.
Đến giờ vẫn chưa hết cay đắng, ông Hoàng Văn Sơn (quận Thanh Xuân) nhớ lại chặng đường gian nan chờ đợi – hy vọng để được cấp quyết định giao đất cho sản phẩm dịch vụ đã mua.
Ông Sơn kể, sau khi 'chốt' giao dịch mảnh đất 52m2 ở Hà Đông với chủ cũ (năm 2009), ông chờ đợi ròng rã nhiều tháng trời và cứ đinh ninh sẽ mau chóng được cấp giấy tờ đất. Tiền đã trao đủ, người bán cũng khẳng định chắc nịch và còn cho người mua xem các tài liệu thể hiện đã đóng tiền làm hạ tầng.
'Cứ nghĩ việc còn lại chỉ là chờ trong trước mắt ấy vậy mà chờ gần một năm vẫn không được. Khi hỏi ra mới vỡ lẽ, đất nằm trong diện chưa giải phóng mặt bằng. May mà tôi bán lỗ được 200 triệu đồng” – ông Sơn thở dài.
Tình cảnh của ông Sơn không phải hiếm mà từng diễn ra phổ biến ở khu vực An Khánh những năm 2011-2013. Một số cò đất cho biết, năm 2011 là năm 'đen tối' với rất nhiều khách mua đất dịch vụ nhưng không tìm hiểu kỹ nguồn gốc đất lẫn tình trạng pháp lý quy hoạch liên quan.
Nhiều môi giới, cá nhân từng 'phất' lên nhanh chóng nhờ bán đất dịch vụ 'hơi', trong khi không thiếu 'Thượng đế' phải 'ôm hận' vì ném tiền vào các lô đất được người dân tự ý lấn chiếm xây dựng nhà trái phép.
Bàn về rủi ro của giao dịch đất dịch vụ, một lãnh đạo của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội từng cảnh báo: Không phải người nông dân nào cũng được cấp 40-50 m2 đất dịch vụ như họ rao bán. Vì nguyên tắc là chỉ được giao 10% diện tích đất bị thu hồi nên sẽ có những hộ dân chỉ được giao 15-20 m2, thậm chí là 10m2. Nếu người mua không may mua phải đất của các hộ dân này thì dù đất có đấy nhưng cũng chẳng làm gì được bởi diện tích quá nhỏ…”.
Có thể hiểu đơn giản là, trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ dự án, người nông dân bị mất đất canh tác. Nhằm hỗ trợ cho đối tượng này, Nhà nước có chính sách hỗ trợ bằng đền bù, đào tạo nghề và phân đất dịch vụ. Cụ thể, mỗi hộ dân sẽ được cấp đất dịch vụ với diện tích bằng 10% so với diện tích đất nông nghiệp mà họ bị thu hồi. Tuy nhiên cần chú ý, hiện trạng các khu đất thường không đồng đều: khu đã giải phóng mặt bằng hoặc đang làm hạ tầng… Ngoài ra, sản phẩm đất dịch vụ vốn không phải đất tái định cư nên không được tự ý xây nhà ở. Nếu muốn chuyển thành đất ở thì chủ sở hữu phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải phù hợp quy hoạch….
Vì vậy, nếu chỉ vin vào những lời mời chào hấp dẫn của môi giới, chủ đất, e rằng thảm cảnh năm nào sẽ có cơ hội tái diễn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn