Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, điểm đáng chú ý của dự thảo này là sẽ điều chỉnh quy định về diện tích đất tối thiểu được tách thửa (nhỏ hơn so với quy định hiện hành) để tạo thuận lợi cho người dân.
Cụ thể, quy định về diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi trừ lộ giới của khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú hiện nay từ 50m2 sẽ giảm xuống còn 45m2 (chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m tại đường có lộ giới ≥ 20m) và 36m2 (chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m tại đường có lộ giới < 20m).
Tp.HCM: Sẽ giảm diện tích đất tối thiểu được tách thửa. Ảnh minh họa
Diện tích đất tối thiểu được tách thửa của khu vực 2 bao gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện hoặc khu vực được quy hoạch đô thị hóa thuộc huyện sẽ giảm từ 80m2 xuống còn 50m2 (chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m).
Diện tích đất tối thiểu được tách thửa của khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, ngoại trừ thị trấn hoặc khu vực được quy hoạch đô thị hóa thuộc huyện sẽ giảm từ 120m2 xuống còn 80m2 (chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m).
Đáng chú ý, dự thảo cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp (diện tích tối thiểu sau tách thửa là 500m2). Đặc biệt, với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc thừa kế... thì UBND cấp huyện căn cứ các quy định về quy hoạch, hạ tầng... để giải quyết tách thửa đất ở với diện tích tối thiểu là 25m2, đất nông nghiệp là 300m2.
Trong dự thảo lần này, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đã loại các tổ chức ra khỏi đối tượng của quy định về diện tích tối thiểu tách thửa. Theo đó, đối tượng được áp dụng chỉ là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có yêu cầu tách thửa đất. Đồng thời, dự thảo còn quy định UBND cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy định của pháp luật; chuyển mục đích, tách thửa không đúng quy hoạch... Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo kết quả cho Sở.
Trước đó vào năm 2014, Tp.HCM ban hành Quyết định 33 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa là nhằm hạn chế tình trạng xây dựng nhà ở không phép và tạo điều kiện để người dân, nhất là những người thu nhập thấp giải quyết được vấn đề nhà ở. Tuy nhiên, chính sách có tình này từng bị lợi dụng. Vì Quyết định 33 không khống chế diện tích khu đất trước khi tách thửa nên nhiều khu đất rộng hàng chục ha được các chủ đầu tư đem phân lô, bán nền mà không cần lập dự án. Ngoài việc mượn người dân đứng tên, một số doanh nghiệp còn lách luật bằng cách xin giấy phép và xây một căn nhà tượng trưng trên lô đất đã được chuyển đổi. Sau đó, chủ đầu tư xin tách thửa, bán cho người mua, những căn nhà tạm bợ này sẽ được dỡ bỏ và công ty giao nền đất cho khách.
Một số chủ đầu tư, để tránh việc phải đầu tư hạ tầng cho dự án, đã chọn phương án đầu tư vào những dự án có đường hiện hữu được cập nhật trong sổ. Với những dự án ở khu vực này, chủ đầu tư chỉ cần chỉnh trang, cơi nới mở rộng thêm con đường là xong. Hệ lụy là quy hoạch bị phá nát, hạ tầng không được đầu tư đồng bộ, nhiều khu dân cư mọc lên không có không gian xanh…
Tác giả bài viết: VietHome
Nguồn tin: Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn