Có tiền không biết mua nhà ở đâu?

Thứ sáu - 18/01/2019 14:53

Đó là tâm lý của rất nhiều khách hàng hiện nay khi rơi vào cảnh ngược đời, có tiền trong tay nhưng không biết mua BĐS ở đâu cho yên tâm. Không ít trường hợp, khách hàng đã dừng ý định mua nhà, chuyển sang kênh đầu tư khác vì yếu tố tâm lý.

Sợ “tiền mất tật mang”

Thời gian qua, thị trường BĐS đã chứng kiến nhiều câu chuyện bất cập về thị trường căn hộ chung cư. Trường hợp khách hàng nhận nhà chất lượng nội thất kém xa so với căn hộ mẫu, chủ đầu tư giao nhà, ra sổ hồng chậm hay khách hàng đòi trả tiền cọc, đòi bồi thường vì dự án sai phạm, đắp chiếu… đã không còn là chuyện hiếm trên thị trường. Điều này, ảnh hướng nghiêm trọng đến tâm lý của người mua nhà hiện nay.

có tiền không biết mua nhà ở đâu

Người mua nhà cần được cung cấp thông tin chính xác, quy về một
nguồn rõ ràng, minh bạch.Ảnh: Phương Nga 

Chị Xuân (làm việc tại Q.5) bày tỏ với PV: “Tôi đang tìm nhà để mua nhưng thông tin dự án từ chủ đầu tư quá ít ỏi. Trong khi đó, thông tin trên mạng nhiều nhưng lại không thể kiểm chứng được độ chính xác. Vì thế, tôi vẫn rất băn khoăn, chưa thể đưa ra quyết định”. Chị cho biết, hầu hết người mua nhà đều có mối lo chung như: pháp lý dự án có ổn không? chủ đầu tư giao nhà có đúng hẹn? chất lượng căn hộ, an ninh, dịch vụ có được đảm bảo? Và trường hợp không may người mua nhà đặt niềm tin không đúng dự án thì ai sẽ đứng ra giải quyết? thời gian giải quyết là bao lâu?... “Vì vậy, chúng tôi rất mong mọi thông tin dự án được công khai đầy đủ từ chủ đầu tư,  các cơ quan quản lý để khách hàng yên tâm khi đi mua nhà”, chị Xuân cho biết thêm.

Một trường hợp khác, chị Ly Duy (ngụ tại Q.7), dù đã chuẩn bị đủ tài chính để mua nhà, thế nhưng vì lo ngại trước thông tin chính thống về dự án, chị vẫn chưa thể xuống tiền. Trao đổi với PV, chị  bày tỏ sự mệt mỏi và gian nan trên con đường tìm kiếm chốn an cư của mình. Chị cho biết đã tìm hiểu rất nhiều thông tin trên mạng, hỏi cả người quen làm việc trong lĩnh vực BĐS nhưng vẫn chưa yên tâm vì các thông tin tràn lan và thiếu thống nhất, khiến chị không biết thực hư thế nào. Gặp vợ chồng anh Thành Tùng ngụ tại Q.Tân Bình, Tp.HCM trong buổi lễ mở bán dự án mới đây, PV được anh Tùng chia sẻ: “Trước khi đi mua căn hộ, vợ chồng tôi cũng đã tìm hiểu kỹ các dự án trên địa bàn TP. Hầu hết các dự án mở bán đang xây dựng nên khách hàng chưa thấy được căn hộ thực tế như thế nào. Nhìn căn hộ mẫu tôi rất ưng nhưng lo ngại lớn nhất là liệu căn hộ thật có đảm bảo chất lượng đúng như căn hộ mẫu hay không?”.

Chia sẻ của anh Tùng cũng chính là trăn trở của rất nhiều người đang có nhu cầu mua nhà hiện nay. “Tôi chỉ mong mọi thông tin về dự án của DN quy về một nguồn rõ ràng, tránh tràn lan để người mua nhà như tôi không phải hoang mang”, anh Tùng bày tỏ.

Những lo ngại trên đã khiến nhiều khách hàng từ chỗ quyết tâm mua nhà chuyển sang trạng thái chờ đợi, nghe ngóng hoặc tìm hiểu kỹ.

Ai bảo vệ người mua nhà?

Có lẽ câu hỏi “ai bảo vệ quyền lợi của người mua nhà” không chỉ là “nỗi lòng” của người mua nhà hiện nay mà còn là câu hỏi dành cho những nhà làm BĐS. Chủ đề này được nhắc nhiều trong các buổi tư vấn, hội thảo và trong cả những bản cam kết của CĐT với khách hàng. Thế nhưng, vẫn rất nhiều người chưa dám mua, không tin tưởng, băn khoăn “xuống tiền” cho chốn an cư của mình.

Ông Trương Anh Tú, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Phúc Khang khẳng định thời gian qua, khách hàng “bị lừa” bởi các thông tin không chính thống trong câu chuyện đầu tư kinh doanh BĐS. Chính điều này đã gây tâm lý hoang mang và nghi ngờ cho người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Tại buổi tư vấn trực tuyến về vấn đề mua nhà an toàn, luật sư Trương Thị Hòa (VP Luật sư Trương Thị Hòa, Q.1, Tp.HCM) cho rằng: “Khi mua nhà hình thành trong tương lai, để tránh rủi ro khách hàng phải “tỉnh táo”. Tôi giả dụ, căn hộ hình thành trong tương lai đủ điều kiện để bán phải có giấy bảo lãnh của ngân hàng, có văn bản nghiệm thu phần móng, có văn bản của cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh xác nhận đủ điều kiện để bán. Vì thế, người mua phải yêu cầu chủ đầu tư dự án cho xem các giấy tờ hợp pháp liên quan. Đồng thời, việc thanh toán lần đầu không được quá 30% giá trị căn hộ".

Trao đổi về vấn đề nhiều khách hàng nhận nhà, chất lượng nội thất kém xa so với căn hộ mẫu, ông Nguyễn Xuân Gần, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Đại Phúc cho rằng: “Trước khi ký hợp đồng mua bán, người mua nhà cần xem kỹ hợp đồng, đặc biệt là phần phụ lục hợp đồng mô tả chi tiết căn nhà được làm bằng vật liệu gì, bảo hành, xuất xứ ra sao? Ngoài ra, cần tham khảo kỹ bản vẽ kỹ thuật về kích thước cửa, nội thất căn nhà".

Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS EximLand, người mua nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu thật kỹ về dự án từ thông tin sàn giao dịch, chủ đầu tư, vị trí, giá cả… đến các dự án trước đó mà chủ đầu tư đã triển khai trên thị trường. “Ở giai đoạn nguồn cung dồi dào như hiện nay thì người mua càng phải kỹ lưỡng hơn nữa”, bà Tú nhấn mạnh. 


Theo batdongsan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây