Mới đây, tại cuộc họp của UBND Tp.HCM về kinh tế - xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Văn Khoa đã giao lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải hoàn thành phần mềm cung cấp thông tin quy hoạch đô thị vào tháng 12 tới để áp dụng vào đầu năm sau.
Với phần mềm này, thay vì phải lên UBND phường, xã xin cung cấp thông tin như hiện nay, người dân có thể sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) để tra cứu các thông tin liên quan đến tình hình quy hoạch từng thửa đất, căn nhà.
Ông Khoa nói: "Cơn sốt đất vừa qua là bài học của thành phố về công khai minh bạch thông tin. Cần nhanh chóng công khai cho người dân các kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu… từ cấp cơ sở, xã phường và thường xuyên cập nhật".
Người dân sẽ được tra cứu thông tin quy hoạch qua điện thoại thông minh |
Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Tp.HCM đang hướng đến cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, hạn chế tiếp xúc giữa công chức và người dân thông qua việc giảm dần số lượng người dân đến cơ quan công quyền giao dịch thủ công. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu.
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016. Theo đó, trên bảng xếp hạng, Tp.HCM giảm 2 bậc, từ hạng 6 (năm 2015) xuống hạng 8. Có 5 chỉ số thành phần giảm điểm. Trong đó, chỉ số minh bạch giảm từ 6,51 điểm xuống 6,50 điểm.
Các doanh nghiệp đánh giá, việc công khai minh bạch các tài liệu về hoạt động quản lý nhà nước của Tp.HCM còn hạn chế. Doanh nghiệp và cơ quan nhà nước chưa gắn kết chặt chẽ. Theo các doanh nghiệp, một trong những điều cần thiết và quan trọng trong hoạt động kinh doanh là có "mối quan hệ" và biết cách "thương lượng" với cơ quan nhà nước.
Trong các năm trước, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Tp.HCM luôn dẫn đầu thì năm 2016 đã giảm điểm mạnh, từ 7 điểm (năm 2015) xuống còn 6,82 điểm. Năm 2016, chỉ số năng động của chính quyền địa phương từ 4,19 điểm cũng đã giảm xuống còn 4,17 điểm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Tp.HCM còn làm chưa tốt nhiều việc như quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, Tp.HCM đã phê duyệt xong, đã phủ kín nhưng doanh nghiệp, người dân vẫn phải đi xin, thậm chí đi "chạy". Do đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải công khai đến người dân và doanh nghiệp toàn bộ quy hoạch.
Đáng chú ý, từ năm 2016, với phần mềm DNAI.LIS, Đồng Nai đã tạo điều kiện cho người dân tra cứu thông tin quy hoạch qua điện thoại. Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã xây dựng phần mềm này và phục vụ người dân hoàn toàn miễn phí.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn