Những năm gần đây, quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng trở nên khan hiếm, số lượng sản phẩm BĐS mới đang bị thắt chặt, nên xu hướng phát triển dự án ở các đô thị vệ tinh diễn ra và tăng tốc mạnh mẽ. Là tỉnh thành nằm vị trí thuận lợi, tại cửa ngõ phía Bắc TP. Hồ Chí Minh, nền kinh tế ổn định, hạ tầng giao thông bứt phá và có điểm tựa từ phát triển công nghiệp, Bình Dương trở thành tâm điểm của nhiều nhà đầu tư, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19.
Bình Dương trong các năm gần đây luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo thống kê, năm 2020 Bình Dương thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI (đạt hơn 1,85 tỷ USD, vượt 31,8% so với kế hoạch đề ra) cao thứ 3 cả nước chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sang 5 tháng đầu năm nay, tỉnh thu hút 1 tỷ 252 triệu USD vốn FDI, bằng 159% so với cùng kỳ năm trước.
Bình Dương nhận được "đòn bẩy" từ những công trình hạ tầng hàng ngàn tỷ đồng, nhờ nền kinh tế ổn định. Trong đó, đáng kể đến là đường Mỹ Phước - Tân Vạn lộ trình bắt đầu từ ngã ba Tân Vạn (quốc lộ 1, TP. Dĩ An) đến nút giao quốc lộ 13, trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng (tổng chiều dài 62km, quy mô 10 làn xe). Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ kết nối thông suốt các khu công nghiệp (KCN) ở Bàu Bàng, Bến Cát, Thuận An, Thủ Dầu Một và Dĩ An đến các sân bay, cảng biển quốc tế.
Hiện tại, Bình Dương cũng đang xúc tiến kế hoạch triển khai một loạt công trình trong giai đoạn năm 2021 - 2025 như Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên, đường Vành Đai 5, nhiều hầm chui, cầu vượt... Đây đều là những công trình hạ tầng trọng điểm tạo lực mạnh mẽ. Đặc biệt, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài hơn 70km) có mức vốn đầu tư lên đến 36.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương triển khai.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn