Trung tâm thương mại Parkson Paragon chính thức đóng cửa

Thứ sáu - 18/01/2019 14:25
Kể từ ngày hôm nay, 16/5, Trung tâm thương mại Parkson Paragon nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, Tp.HCM thuộc KĐT Phú Mỹ Hưng chính thức đóng cửa, sau khi hoạt động được khoảng 5 năm.

Vào tối khuya ngày 15/5, đại diện truyền thông của Công ty TNHH Thùy Dương - đơn vị quản lý của trung tâm thương mại Parkson Paragon chính thức thông báo sẽ di dời khách thuê từ ngày 16/5.

Phía đại diện của Thùy Dương cũng cho biết, khoảng 2 tháng trước đó, kế hoạch di dời đã được đơn vị thông báo tới các đối tác kinh doanh tại Parkson Paragon và nhận được sự chấp nhận. Theo đó, việc di dời này sẽ không gây ảnh hưởng đến các hoạt động của các trung tâm thương mại khác mang thương hiệu Parkson tại Việt Nam. Đồng thời, các quyền lợi của các chủ thẻ khách hàng thành viên sẽ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng trên toàn bộ hệ thống trung tâm thương mại Parkson.

“Các trung tâm thương mại mới dưới thương hiệu Parkson sẽ vẫn được phát triển trong kế hoạch mở rộng của chúng tôi và sẽ được thông báo cụ thể trong thời gian tới.  Parkson mong rằng vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ của các quý đối tác và khách hàng", đại diện của Công ty TNHH Thùy Dương nói.

Hiện tại Parkson chưa đưa ra lý do di dời khỏi tòa nhà này cũng như việc những khách thuê bán hàng tại đây sẽ đi về đâu...

Trung tâm thương mại Parkson Paragon
Trung tâm thương mại Parkson Paragon tại quận 7 chính thức đóng cửa từ ngày 16/5/2016. Ảnh: Quốc Hùng

Trước đó, khi khai trương tòa nhà thương mại này vào năm 2011, Pakson từng cho biết sẽ giữ vai trò nhà quản lý trung tâm thương mại Saigon Paragon trong vòng 19 năm. Như vậy đến nay chỉ sau khoảng 5 năm hoạt động mà nhà đầu tư này đã phải dời đi nơi khác.

Còn nhớ thời gian sau khi tiếp nhận Parkson Paragon, Parkson tại Việt Nam từng được đánh giá rất thành công với 6 trung tâm Parkson kinh doanh trước đó, ngoài ra còn nhận định đây là địa điểm lý tưởng để Parkson mở kinh doanh.

Khi thay thế chủ đầu tư tòa nhà là Công ty CP Kim Cương, quản lý trung tâm thương mại này, Parkson Việt Nam cho biết đã đầu tư số tiền trị giá 5 triệu USD để thiết kế lại hoàn toàn mới Parkson Paragon, thu hút tổng cộng trên 130 nhãn hàng thời trang quốc tế và trong nước cùng với các dịch vụ ăn uống giải trí chuyên nghiệp hơn so với Saigon Paragon trước đây.

Thời điểm đó, lãnh đạo Parkson Việt Nam từng nhận định, KĐT Phú Mỹ Hưng với khoảng 10.000 hộ gia đình sinh sống, trong đó có khoảng 50% là người Việt Nam khá giả và 50% còn lại là người nước ngoài với mức thu nhập khá cao chính là đối tượng khách hàng tiềm năng mà trung tâm Saigon Paragon hướng tới. Thế nhưng, thực tế diễn ra sau đó cho thấy những tính toán của Parkson đã không đạt được. Hàng loạt khách thuê kinh doanh tại đây đã lần lượt đóng cửa và rơi rụng dần.

Việc đóng cửa trung tâm thương mại này được cho là không quá bất ngờ khi giới quan sát từng dự báo nhiều năm qua trong bối cảnh kinh doanh tại đây luôn vắng khách do 3-4 năm trước kinh tế trong nước gặp khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong lĩnh vực hàng thời trang, mỹ phẩm và một điều quan trọng hơn nữa là dù ra đời chưa bao lâu Parkson Paragon đã bị các trung tâm thương mại ra đời ngay sau đó cạnh tranh khốc liệt, chẳng hạn như Crescent Mall và tiếp đó là trung tâm thương mại SC Vivo City...với quy mô lớn và hiện đại hơn.

Sự ra đời của các trung tâm thương mại với diện tích lớn hơn, hướng đến đối tượng khách hàng trung bình và trung bình khá nhiều hơn là những mặt hàng thời trang đắt tiền cùng với loạt tiện ích đi kèm tốt hơn cho các khách tham quan mua sắm (siêu thị tổng hợp bên trong cùng những khu vui chơi cho trẻ em và gia đình) đồng thời được quản lý chuyên nghiệp không kém, khiến cho Parkson Paragon bị đánh giá là thất thế. Không ít người khi đến tòa nhà này phải đặt câu hỏi tại sao Parkson và khách thuê vẫn có thể cầm cự được tại đây trong những năm qua trong khi lượng người đến mua sắm hầu như lúc nào cũng ít hơn nhân viên bán hàng và bảo vệ của tòa nhà này?

Nhưng thực tế Parkson không phải là đơn vị đầu tiên kinh doanh trung tâm thương mại không thành công mà trước đó một nhà đầu tư tòa nhà này là Công ty CP Kim Cương cũng thất bại khi khai thác tòa nhà này nên phải đóng cửa để Parkson thuê lại.

Công ty CP Kim Cương cho biết, việc thuê Parkson là đơn vị quản lý kinh doanh trung tâm thương mại Saigon Paragon là vì doanh nghiệp này muốn việc quản lý trung tâm trở nên chuyên nghiệp hơn và ở mức tốt nhất.

Trước thời điểm Parkson Paragon đóng cửa không lâu, gần đó chủ đầu tư trung tâm thương mại Thiên Sơn cũng phải đóng cửa do kinh doanh ế ẩm và chuyển mục đích sử dụng của tòa nhà này.

Parkson Paragon không phải là trung tâm thương mại đầu tiên của Parkson ở Việt Nam kinh doanh không hiệu quả như mong đợi. Vào đầu năm 2015, với lý do bị thua lỗ kéo dài, chủ đầu tư trung tâm thương mại Parkson Landmark Keangnam (Parkson Landmark) ở Hà Nội cũng bất ngờ đưa ra quyết định đóng cửa thậm chí còn đột ngột yêu cầu khách thuê phải dọn dẹp toàn bộ hàng hóa trong vòng 24 giờ, khiến nhiều khách thuê kinh doanh tại đây không khỏi bức xúc, nhất là khi yêu cầu này được đưa ra vào thời điểm đầu năm mới - thường nhu cầu mua sắm cao.


Theo TBKT Sài Gòn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây