Công nhân gửi con - Nỗi lòng cha mẹ

Thứ sáu - 18/01/2019 14:26
NỖI BUỒN Ở TRỌ

Kỳ 2: Công nhân gửi con – Nỗi lòng cha mẹ

(VietHome) Sau một thời gian “bám rễ” ở các khu công nghiệp, nhiều bạn trẻ công nhân đã nên duyên với nhau. Bên cạnh niềm vui vì có người chung vai xây dựng cuộc sống, các cặp vợ chồng công nhân trẻ cũng đối mặt với nỗi lo: liệu con trẻ ra đời thì chăm sóc, gửi con thế nào.

Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), theo ước tính có 50% dân số là lao động các tỉnh đổ về làm công nhân, mật độ dân số trung bình trên 6.000 người/km2. Dân số đông nhưng số lượng các trường học, đặc biệt là trường mầm non rất ít. Trong khi đó, mỗi ngày chủ nhật có hàng chục đám cưới công nhân diễn ra, đôi khi còn là đám cưới tập thể, kéo theo đó là nhiều thế hệ trẻ em chào đời.

Sự thiếu vắng các nhà trẻ, trường mẫu giáo đã khiến anh chị em công nhân không biết gửi con ở đâu. Thêm vào đó, đa phần công nhân cũng không đủ tiền để gửi con vào những nơi đạt tiêu chuẩn. Và những nhóm trẻ gia đình tự phát gần như là lựa chọn duy nhất. Nhiều vụ bạo hành trẻ em tại các nhóm trẻ gia đình cũng gây ra hoang mang lo lắng, nhưng không gửi con ở các nhóm trẻ gia đình thì biết gửi ở đâu?

“Vợ chồng em ở trọ tại đây, không KT3 hay hộ khẩu thì làm gì xin được cho con vào học trường mầm non công”, chị Linh, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B chia sẻ. “Hơn nữa học ở trường công, trường tư đạt chuẩn giá khá cao, vợ chồng em không lo xuể”.

viethome_ThanhTan_02

Không cần những nhà trẻ đạt chuẩn, với công nhân, có người coi sóc 

con mình đã là tốt - Ảnh minh hoa

Đối với những gia đình công nhân gửi con ở các nhóm trẻ tư nhân, hầu hết chỉ mong muốn con mình được cho ăn uống đầy đủ, không té ngã nguy hiểm gì đã là tốt. Còn với chuyện các bé có được dạy múa hát, nghe kể chuyện, chơi các trò chơi phát triển trí tuệ hay không hoàn toàn là chuyện xa xỉ. Trong khi đó, tuổi mầm non là giai đoạn bé phát triển trí thông minh, định hình tính cách rất quan trọng, bỏ qua giai đoạn này đồng nghĩa việc bỏ qua cơ hội vàng để chăm sóc, rèn luyện những năng lực bẩm sinh của trẻ.

Nhu cầu gửi con của công nhân làm nảy sinh nhiều “bảo mẫu tay ngang”, những người không có bằng cấp, không được đào tạo nhưng có điều kiện thời gian hoặc có nhà riêng, nhận làm người giữ trẻ. Quan điểm của các bảo mẫu như thế này là “bình thường mình giữ con cháu mình sao thì giữa con công nhân vậy”. Tuy nhiên, không ít trường hợp bạo hành trẻ đã xảy ra làm hoang mang dư luận. Vụ bạo hành trẻ nhỏ chấn động của bà Quảng Thị Kim Hoa năm 2008 không phải là vụ đầu tiên cũng không phải là vụ cuối cùng trong những vụ bạo hành trẻ nhỏ.

Có thể nói, việc thiếu quản lý những nhóm trẻ tự phát, thiếu kiến thức trong việc nuôi dạy trẻ của những bảo mẫu tay ngang có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, đó là chưa nói đến tình trạng bạo hành trẻ em như những sự việc vừa qua. Tuy nhiên, khi những nhà trẻ đạt chất lượng, giá rẻ còn chưa ra đời, thì những gia đình công nhân có con nhỏ cũng đành “sống chung với lũ” vậy.

Kỳ tới: Hiện thực hóa ngôi nhà mơ ước


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây