Diễn biến trái chiều của các phân khúc căn hộ sau vụ cháy
- Thứ ba - 22/01/2019 11:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người thu nhập thấp không có nhiều lựa chọn
Những tác động của vụ cháy chung cư Carina đối với phân khúc căn hộ giá rẻ và tầm trung dường như chỉ mang tính ngắn hạn. Cuối tháng 4 vừa qua, chị Nguyễn Hoàng Kiều Anh (nhân viên một công ty truyền thông tại Cầu Giấy) đã mua căn hộ 1,05 tỷ trên đường Tố Hữu kéo dài (Hà Đông). Trước đó, sau vụ cháy Carina, người thân và bạn bè khuyên chị cân nhắc lại việc mua chung cư. Tuy nhiên, chị Kiều Anh cho biết: “Qua 2 năm tìm mua nhà ở Hà Nội, vợ chồng tôi đã tìm hiểu rất kĩ các phân khúc ở từng khu vực và nhận ra với số tiền 1 tỷ, chung cư là lựa chọn duy nhất về nhà ở tại nội thành Hà Nội”. Do đó, sau vụ cháy, chị Kiều Anh chú ý hơn đến hệ thống phòng cháy chữa cháy ở các dự án. Khi xuống tiền với dự án hiện tại, vợ chồng chị đã đi thực tế các dự án đã được bàn giao và đi vào vận hành của cùng chủ đầu tư. “Ở các dự án đã vận hành, chủ đầu tư đều tuân thủ đúng các quy định về an toàn cháy nổ nên tôi tin vào cam kết về hệ thống phòng cháy chữa cháy ở dự án mình mua”, chị Kiều Anh cho biết.
Những tác động của vụ cháy chung cư Carina đối với phân khúc căn hộ giá rẻ và tầm trung dường như chỉ mang tính ngắn hạn |
Tìm mua chung cư từ đầu năm nhưng sau vụ cháy Carina, anh Phùng Văn Tuấn (nhân viên một ngân hàng tại Đống Đa) chuyển hướng sang nhà đất. Với tài chính 1,2 tỷ (có vay ngân hàng), anh Tuấn nhận ra chỉ có thể mua được nhà riêng diện tích nhỏ ở những nơi xa trung tâm như Ba La, Yên Nghĩa (Hà Đông), An Khánh, La Phù (Hoài Đức)… Các khu vực này đều cách chỗ làm của 2 vợ chồng khoảng 15km. Do quá xa, anh Tuấn tìm hiểu thêm những nơi gần hơn như Phương Canh, Xuân Phương (Nam Từ Liêm) nhưng giá đất ở đây đã lên tới 30-45 triệu đồng/m2. “Một mảnh đất tầm 30-40m2 ở Phương Canh, Xuân Canh cũng mất hơn 1 tỷ lại chưa có nhà. Để xây được nhà, vợ chồng tôi phải tiếp tục vay thêm ngân hàng. Điều này quá khả năng kinh tế của hai vợ chồng”, anh Tuấn cho biết. Sau thời gian tìm hiểu nhà đất, hiện anh Tuấn lại quay về tìm mua chung cư.
Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn, khoảng 3 tuần đầu sau vụ cháy, một số dự án tại Hà Nội ghi nhận hiện tượng nhiều khách hàng không xuống tiền mua căn hộ theo dự định trước đó, nhiều khách không chuyển giữ chỗ thành cọc. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 4 đến nay, tại lễ mở bán các dự án có khoảng giá 1,5 tỷ trở xuống, số lượng khách hàng đã trở lại đông đảo. Anh Nguyễn Chức, nhân viên kinh doanh sàn Đất Xanh Miền Bắc cho biết: “Điều tôi thấy rõ nhất sau vụ cháy là khách hàng quan tâm và chú ý đến hệ thống phòng cháy chữa cháy ở các dự án. Giao dịch khoảng nửa tháng qua đã bắt đầu sôi động trở lại. Các hợp đồng nhóm tôi chốt thành công trong tháng đều thuộc phân khúc vừa túi tiền.”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết sau vụ cháy, trong thời gian ngắn, thị trường căn hộ sẽ có sự dao động nhất định. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, chung cư vẫn là dòng sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người tiêu dùng. Do đó, theo ông Đính, trừ những chung cư giá quá cao, còn các chung cư giá 25 triệu đồng/m2 trở xuống đều có tỉ lệ thanh khoản tốt. “Kể cả thời điểm sau vụ cháy Carina, theo khảo sát của Hội Môi giới, nhiều dự án giá rẻ ra hàng đến đâu vẫn hết hàng đến đó”, ông Đính nhấn mạnh.
Người giàu mua nhà mặt đất
Sau vụ cháy, ở phân khúc hạng sang và cao cấp, một số khách hàng đã chuyển sang mua nhà mặt đất. Vụ cháy trở thành chất xúc tác mạnh hơn cho quyết định chuyển hướng của nhiều người thuộc giới nhà giàu có nhu cầu mua ở thực.
Sau vụ cháy, ở phân khúc hạng sang và cao cấp, một số khách hàng đã chuyển sang mua nhà mặt đất |
Anh Đỗ Vinh, một môi giới chuyên bán căn hộ cao cấp và hạng sang tại Hà Nội cho biết, sau vụ cháy, anh có 2 khách đã bỏ mua căn hộ cao cấp và hạng sang, chuyển sang mua biệt thự và nhà liền kề ở Hà Đông và Nam Từ Liêm. “Biệt thự, nhà liền kề hay nhà phố thuộc một số dự án ở Hà Đông, Nam Từ Liêm có giá ngang hoặc chỉ nhỉnh hơn từ 10-30% một căn hộ cao cấp ở khu vực trung tâm. Giá không chênh lệch quá lớn, lại lợi thế nhà mặt đất và giao thông ngày càng thuận tiện nên sau vụ cháy, hai khách được tôi “chăm sóc” từ trước khá lâu đã quyết định xuống tiền với nhà mặt đất trong các dự án, khu đô thị”, anh Vinh cho biết.
Chị Dương Hà Linh, người vừa quyết định mua biệt thự tại Hà Đông chia sẻ, trước đó, chị đã phân vân giữa căn hộ cao cấp và nhà mặt đất: “Tôi đã khá đau đầu khi đứng trước 2 lựa chọn: căn hộ hạng sang hơn 170m2 trên đường Phạm Hùng với giá khoảng 9,5 tỷ và biệt thự dự án ở Hà Đông có giá khoảng 10 tỷ. Mỗi loại hình đều có ưu, nhược điểm riêng. Nhưng phải đến khi vụ cháy ở Tp.HCM xảy ra và liên tiếp một vài vụ cháy nhỏ sau đó ở các chung cư, tôi mới quyết định chọn biệt thự. Dù vị trí biệt thự không trung tâm bằng căn hộ định mua nhưng với việc di chuyển bằng ô tô thì đó không phải vấn đề lớn”.
Nhà đầu tư Trương Văn Đạt – một người có nhiều năm kinh nghiệm trong đầu tư căn hộ cho biết, vụ cháy khiến một số khách hàng còn phân vân giữa nhà mặt đất và căn hộ đã đưa ra được quyết định. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là chất xúc tác, tác động đến quyết định chuyển hướng của một bộ phận người dân, còn thực tế thì trong vòng 1 năm trở lại đây, như ông quan sát, nhiều người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu đã có xu hướng chuyển từ mua căn hộ cao cấp sang biệt thự, nhà phố ở các quận thuộc vành đai 2 và 3 (tức Hà Đông, Nam Từ Liêm và Hoài Đức). Nguyên nhân là giao thông trở nên thuận tiện hơn và các dự án thuộc phân khúc thấp tầng thời gian qua đều có sự quy hoạch bài bản về tiện ích, dịch vụ, cảnh quan cây xanh nên hút giới nhà giàu đến ở. “Và tất nhiên, so với chung cư, thì nhà liền thổ luôn tăng giá theo thời gian”, ông Tuấn nhấn mạnh.