Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo "nóng" chặn cơn sốt đất vùng ven biển
- Thứ ba - 28/05/2019 08:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó, việc lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của cấp huyện còn chậm; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ...
Theo đó, một số địa phương trên địa bàn, nhất là vùng ven biển TP Phan Thiết, Kê Gà hay La Gi có biểu hiện tùy tiện, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng cho phép một số cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn với diện tích lớn nhưng không thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đất, không căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt; Tình trạng lấn chiếm đất công, sang nhượng đầu cơ tăng giá trục lợi gây mất an ninh trật tự tại địa phương; việc lập thủ tục hợp thửa, tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô để kinh doanh bất động sản diễn ra phức tạp, xây dựng hạ tầng hình thành các điểm dân cư hoặc khu dân cư mới không theo quy định và bảo đảm quy chuẩn xây dựng; xác định ví trị đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích để thu tiền sử dụng đất không đúng quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Tình trạng trên làm phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, đô thị của địa phương, gây bức xúc và tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm nêu trên; nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Chỉ thị chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của cấp huyện.
Quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải phối hợp, yêu cầu UBND cấp huyện cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và đánh giá cụ thể tính hợp lý của từng loại quy hoạch để cập nhật hoặc điều chỉnh cho thống nhất và phù hợp; quản lý, sử dụng đất để phát triển đô thị theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. CHủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã La Gi, TP Phan Thiết và thủ trưởng các sở, ngành có liên quan tiếp tục quán triệt sâu kỹ Chỉ thị số 01/CTTTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch số 940/KH-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ…
Qua khảo sát thực tế, được biết ngay sau khi các thông tin về dự án sân bay Phan Thiết dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong quý 3/2019 tới. Cộng với đó là một số dự án đường cao tốc kết nối TPHCM với Bình Thuận, hay như tuyến cao tốc Bình Thuận - Vũng Tàu; Bình Thuận - Dầu Giây (Đồng Nai) cũng đang được khởi động, đang làm xuất hiện những cơn sốt đất "nóng" diễn ra tại địa phương. Theo đó, thông tin xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết có dự án sân bay, cách đây khoảng 1 năm, giá đất tại khu vực này lập tức tăng chóng mặt, khu vực đường ĐT715 nối đường Võ Nguyên Giáp với trung tâm xã Thiện Nghiệp giá đang bị "đẩy" lên từng ngày với nhiều lý do. Theo đó, một sào đất nông nghiệp trước kia chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng, đã tăng lên hơn 1 tỷ và tiếp tục tăng với những khách hàng đến sau.
Giá đất tại Thiện Nghiệp dọc tuyến đường hướng vào khu quy hoạch sân bay Phan Thiết đang tăng khá cao, mỗi sào đất có mặt tiền đường ĐT715 từ 200 triệu trước khi có dự án sân bay thì nay đã được các đối tượng môi giới chào bán với giá 4 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, một lô đất diện tích 6 x 24m thuộc ven biển bãi Lạch Thế (thôn Đông Hải, xã Long Hải), cách đây 2 năm, giá chỉ khoảng 120 triệu đồng/lô; thì nay đang tăng đến 1,6 tỷ đồng/lô, chỉ sang nhượng giấy tay. Với khu quy hoạch mới tại xã Tam Thanh, lô đất nền có diện tích 140 m2 với giá 3,5 - 4 tỷ đồng tùy thuộc vào cung đường - anh Nguyễn Văn L. (xã Long Hải) cho biết.
Với đất rẫy (đất nông nghiệp), trước đây giá chỉ 1 triệu đồng/m2, trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá đất nông nghiệp đã tăng 2,3 - 3,5 triệu đồng/m2.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, tại 3 xã trên địa bàn huyện Phú Quý có hơn 350 trường hợp giao dịch mua bán đất thành công, cao hơn lượng hồ sơ mua bán đất của cả năm 2018.
Còn tại Khu du lịch cộng đồng bãi biển Cam Bình, Tân Phước, Thị xã La Gi, đất mặt tiền nằm ở con đường gần biển được thổi giá cao ngất ngưỡng: 400 - 450 triệu/1 mét tới, chiều sâu 60 m. Ngoài ra, các khu đất ven bờ biển La Gi, cách các tuyến đường trung tâm thị xã khoảng 1-2km, giá đất cũng đang bị đẩy lên khá cao, từ vài trăm triệu đồng/150m2 từ hơn một năm trước thì nay đã được chào bán hơn 3 tỷ đồng/lô. Một nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) tại TP. Phan Thiết cho biết những mảnh đất nông nghiệp được nhiều người mua rồi chạy thủ tục lên thổ cư, phân lô, bán nền rất hút những người thu nhập thấp khi bán với giá khoảng 300 – 500 triệu đồng/lô. Do đó thị trường BĐS khá nhộn nhịp và được đánh giá đang khởi sắc sau thời gian dài trầm lắng.
Có lẽ vì thế mà từ sau Tết, nhiều công ty BĐS mọc lên như nấm với số lượng môi giới gần cả trăm người. Do đó, có sự cạnh tranh ngầm giữa các công ty cũng như giá rao bán đất được tính toán kỹ trước khi lên sàn. Do sức nóng của thị trường BĐS khiến nhiều sàn, nhiều môi giới vì lợi nhuận trước mắt mà có những tư vấn không chính xác, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.