Tín dụng BĐS sẽ không đáng lo nếu thị trường có nhu cầu thực
- Thứ năm - 08/11/2018 11:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS), nếu thị trường có nhu cầu thực, tín dụng BĐS cũng không đáng lo. Để thị trường BĐS trở nên lành mạnh hơn về lâu dài, việc tuân thủ tốt Thông tư 06 là con đường duy nhất.
Theo công bố mới đây của Savills Việt Nam về chỉ số giá BĐS, thị trường BĐS tại Tp.HCM và Hà Nội đang sôi động với những tín hiệu tích cực về giao dịch nhà ở, chủ yếu tập trung vào hạng C và phân khúc nhà ở giá rẻ.
Khảo sát của Savills cũng chỉ ra, nhờ sự thay đổi rõ nét về hạ tầng và bán lẻ, thị trường BĐS năm 2017 có sự phân hóa mạnh mẽ. Lượng mở bán và lượng bán ở nhiều phân khúc có sự tăng trưởng nhờ hạ tầng giao thông được cải thiện, kết nối tốt hơn các khu ngoại thành với khu trung tâm.
Bên cạnh đó, lượng người mua nhà để ở ngày càng nhiều kéo theo các trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, nhãn hàng bán lẻ, dịch vụ ăn uống giải trí được triển khai ngày càng rầm rộ ở ngoại thành. Khi có thêm sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, những cải thiện này lại tác động ngược trở lại đến tâm lý mua nhà để ở tại các quận, huyện xa trung tâm.
Nhiều dự án tốt vẫn có nguồn tín dụng dồi dào |
Đặc biệt hơn, khách hàng còn được lựa chọn sản phẩm BĐS tại hội chợ thường niên Vietreal Expo 2017 về nhà ở đô thị và nhà ở nghỉ dưỡng, được tổ chức tại Hà Nội và Tp.HCM.
Đây là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực được tiếp xúc trực tiếp với dự án của các chủ đầu tư gắn với những thương hiệu lớn như: FLC, Eurowindow Holdings, Gleximco, Taseco, Hải Phát, Alphanam… Đồng thời, đây còn là dịp để các chủ đầu tư công khai hóa, minh bạch hóa tiềm lực tài chính thực của mình cũng như tiến độ của từng dự án.
Về phía các tổ chức tín dụng, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, ngân hàng đang tập trung vào khách hàng cá nhân có nhu cầu ở thực. Đồng thời, để hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh, ngân hàng cũng triển khai cho vay đối với những dự án có đầu ra tốt, dự án mà ngân hàng có liên kết.
Công bố báo cáo cuối tuần, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, so với cuối năm 2016, nếu cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% thì cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% và chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS, nếu thị trường có nhu cầu thực, tín dụng BĐS cũng không đáng lo. Để thị trường BĐS trở nên lành mạnh hơn về lâu dài, việc tuân thủ tốt Thông tư 06 là con đường duy nhất. Đáng chú ý, việc tín dụng cả năm 2017 có thể tăng trưởng vượt mức kế hoạch 18% đã được bật đèn xanh.
Các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, nợ xấu chỉ phát sinh khi buông lỏng điều kiện cho vay và việc kiểm soát dư nợ. Trong khi việc cho vay mua nhà đối với người dân có nhu cầu ở thực có độ rủi ro thấp do tài sản đảm bảo rõ ràng.
Do đó, việc cần làm là chỉ cần thẩm định đúng nhu cầu, khả năng trả nợ và giá bán hợp lý. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn có thể tăng cao nếu quy trình định giá và thẩm định bị "chệch hướng" một chút. Bài học này trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị.
Theo Thời báo ngân hàng
Người viết : VietHome