Công ty cổ phần đầu tư VietHome

https://viethome.net.vn


Sau mỗi chu kỳ 5 năm, địa ốc Sài Gòn lại tăng trưởng gần gấp đôi

Trong giai đoạn 2006-2015, sau mỗi chu kỳ 5 năm, thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM lại đạt tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi.

Hiệp hội BĐS Tp.HCM vừa công bố báo cáo về thị trường địa ốc trên địa bàn trong giai đoạn 2006-2017. Nhiều quy luật của thị trường địa ốc Sài Gòn đã được chỉ ra, trong đó có tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ năm 2006 đến nay.

Cụ thể trong giai đoạn 2006-2010, thị trường đã tăng trưởng 0,9 lần. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2015 đạt 1,6 lần. Trong hơn một thập niên qua, quy mô thị trường BĐS tăng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giúp thành phố giữ vai trò là đầu tàu của nền kinh tế cả nước.

Từ năm 2016 đến tháng 8/2017, thị trường có dấu hiệu chững lại ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp có từ 3 phòng ngủ trở lên. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, thị trường vẫn nằm trong chu kỳ tăng trưởng.

Nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Tp.HCM chỉ ra rằng, khi hình thành và phát triển, thị trường địa ốc Sài Gòn thường trải qua 7 cột mốc là: tăng trưởng, ổn định, nóng sốt, đóng băng, trầm lắng, phục hồi và tăng trưởng trở lại.

20170912082528-235f
Trong giai đoạn 2006-2015, cứ sau 5 năm, quy mô thị trường
BĐS Tp.HCM tăng gần gấp đôi. Ảnh: Vũ Lê

Tại Tp.HCM, các cơn sốt BĐS đã xảy ra vào những thời điểm năm 1993, giai đoạn 2001-2002, nửa cuối năm 2010 và đỉnh điểm là cơn sốt "bong bóng" BĐS năm 2007.

Những thời điểm mà thị trường rơi vào khủng hoảng suy thoái hoặc đóng băng là năm 1995-1999, từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009 (giai đoạn nặng nề nhất) và năm 2011-2013. Sau đó, thị trường địa ốc dần phục hồi và tăng trưởng trở lại vào giai đoạn 2003-2006, cuối năm 2009 đến giữa năm 2010 và từ năm 2013 đến nay.

Nền kinh tế đều phải chịu tác động nghiêm trọng mỗi khi thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng, sốt (bong bóng) hoặc bị đóng băng. Hiệu ứng tiêu cực đã tác động mạnh lên các ngành liên quan, các doanh nghiệp BĐS, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, hệ thống ngân hàng, người tiêu dùng và công nhân, lao động.

Sự phát triển lên, xuống của thị trường BĐS có xu hướng cùng chiều với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Thị trường chịu tác động của các yếu tố gồm: Phát triển hạ tầng đô thị (giao thông); quá trình đô thị hóa; hệ thống pháp luật và sự quản lý của Nhà nước từ trung ương đến địa phương; hệ thống chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng.

Theo dự báo của Hiệp hội, để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu đang thiên về phân khúc cao cấp, từ nay đến năm 2020, BĐS Tp.HCM sẽ bước vào chu kỳ tái cấu trúc mạnh mẽ. Thị trường sẽ chuyển dịch mạnh sang phân khúc nhà ở có diện tích vừa và nhỏ, giá cả vừa túi tiền. Đây là phân khúc đang có nhu cầu thật rất lớn và tính thanh khoản cao. 


(Theo Vnexpress)
Người viết : Viet Home
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây