Những con đường oằn mình 'cõng' xe thay cao ốc ở Tp.HCM
- Thứ năm - 08/11/2018 06:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việc UBND Tp.HCM ra quyết định không cấp phép xây dựng cho các công trình tập trung đông người, gây quá tải hạ tầng giao thông khu vực là động thái cứng rắn của thành phố nhằm giảm các chung cư, cao ốc... mọc đầy ở các ngã ba, ngã tư, mặt đường, vòng xoay vốn đã quá tải xe cộ.
Biến hạ tầng thành nạn nhân
Từ lâu, nút giao Lăng Cha Cả - cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) thường được biết đến với "đặc sản" kẹt xe nhưng tại đây nhà cao tầng, trung tâm ngoại ngữ... dày đặc và không ngừng thêm mới. Hai cơ sở ngoại ngữ đối diện nhau ở ngay vòng xoay cùng với hàng loạt tòa nhà xây theo mô hình kinh doanh phía dưới - nhà ở trên cao khiến khu vực này như bị 'ngộp thở'.
Gần ngay nút giao này, con đường Hoàng Văn Thụ đang phải 'cõng' thêm một công trình cao ốc với hàng chục tầng vừa được đưa vào sử dụng, chưa kể một dự án chung cư đang thi công ngay bên cạnh... Lượng xe cộ ra vào thường xuyên các tòa nhà này gây xung đột với dòng phương tiện từ các tuyến đường như Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Phạm Văn Hai... lưu thông qua đây khiến nút giao tắc càng thêm tắc. Có những khi, tình trạng kẹt xe tại khu vực này còn ảnh hưởng tới cả trục đường Trường Sơn kéo dài tới cổng sân bay Tân Sơn Nhất gây ám ảnh cho cả ngàn người.
Một con đường khác cũng được xếp vào hàng 'thảm họa' kẹt xe là đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), nguyên nhân chính cũng là do hàng loạt chung cư, cao ốc mọc hai bên đường. Thế nhưng, hàng loạt dự án bất động sản lớn vẫn đang tiếp tục được thi công dọc 2 bên "con đường đau khổ" này. Đơn cử, công trình Tổ hợp khối khách sạn căn hộ Republic Plaza gồm 350 phòng khách sạn và 266 căn hộ sẽ đưa vào sử dụng trong đầu năm tới.
Anh Nguyễn Văn Danh (ngụ quận 12) không khỏi ngao ngán nhận xét, kẹt xe đã thường xuyên xảy ra ở tuyến đường này và sắp tới, khi những cao ốc, chung cư ở đây đưa vào sử dụng thì không biết ùn tắc sẽ trầm trọng cỡ nào. "Chỉ cần nghĩ đến mỗi sáng và chiều phải đi qua con đường này là tôi thấy ám ảnh", anh Danh nói.
Con đường 3 Tháng 2 (quận 10 và 11) cũng đang rập rình nguy cơ trở thành "nạn nhân" của tình trạng tắc nghẽn khi dày đặc các cao ốc, công trình nhà ở... đang và sắp mọc lên ở đây. Trên con đường này, chỉ một đoạn ngắn từ gần vòng xoay Dân Chủ (quận 10) tới giao lộ với đường Lê Đại Hành (quận 11) ít nhất đã có tới 3 tổ hợp công trình lớn đang được thi công. Lớn nhất trong số này là dự án Hà Đô 756 Sài Gòn (phường 12, quận 10), với hàng loạt hạng mục như khu căn hộ, trung tâm thương mại, trường học...
Đường Lê Đại Hành với cao ốc dày đặc khiến tình trạng tắc nghẽn tại nút
giao Đường 3 Tháng 2 (quận 11) càng thêm trầm trọng
Tại giao lộ 3 Tháng 2 - Lê Đại Hành (phường 15, quận 11), dự án khu căn hộ The Park Avenue đang cấp tập thi công bên cạnh loạt cao ốc đã khai thác khiến người dân sống quanh đây và những người thường xuyên di chuyển qua không khỏi lo lắng nguy cơ kẹt xe sẽ ngày càng trầm trọng.
Chị Bùi Kiều Trâm (ngụ quận 10) thể hiện rõ sự lo lắng khi nói, một khối lượng lớn cư dân, phương tiện của hàng ngàn căn hộ sắp tới sẽ dồn vào tuyến đường này, đấy là chưa kể xe cộ cũng liên tục ra vào các tòa nhà, ùn tắc chắc chắn sẽ đáng ngại hơn rất nhiều.
Những tuyến đường khác như Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Mai Chí Thọ (quận 2), Phổ Quang (quận Tân Bình)..., cũng chịu chung số phận với hàng loạt dự án cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại... đã và đang mọc lên. Tình rạng này tạo thêm áp lực lên hạ tầng giao thông và khiến việc giải bài toán kẹt xe càng thêm bế tắc.
Rà soát toàn bộ để điều chỉnh
Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này mới được tham gia góp ý về quy hoạch các dự án, trung tâm thương mại, cao ốc... trên địa bàn dù thực tế các dự án trong khu đô thị có tác động trực tiếp tới hạ tầng giao thông bên ngoài. Sở tham gia góp ý nhằm đánh giá tác động và hạn chế ảnh hưởng tới tới hạ tầng giao thông. Động thái của cơ quan này là yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các dự án theo đúng quy chuẩn xây dựng, bên cạnh đó phải bảo đảm diện tích bãi đậu xe đáp ứng đủ cho toàn bộ cư dân và những người thường xuyên đến làm việc hoặc liên hệ...
Tại các trung tâm thương mại, cao ốc, bệnh viện, trường học…, đang có tình trạng gây ùn tắc giao thông, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, cho biết từ nay đến cuối năm 2017, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ để lên phương án điều chỉnh. Ông Đường khẳng định, nếu các công trình gây kẹt xe, Sở sẽ làm việc với các cơ quan liên quan đưa ra phương án khắc phục đồng thời công khai đưa các thông tin này lên cổng thông tin giao thông của TP.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP) - đơn vị quản lý hệ thống cơ sở kỹ thuật giao thông đô thị khu vực trung tâm TP, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khi cấp phép xây dựng dự án phải đánh giá tổng thể để phù hợp với giao thông bên ngoài. Trong đó, phải đặc biệt hạn chế cấp phép xây dựng các cao ốc, công trình chung cư ở những khu vực tập trung đông người. Bởi thực tế cho thấy, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại TP đang chậm chạp so với tốc độ phát triển các dự án. Cũng theo ông Ninh, đơn vị ông đang rất lo ngại ùn tắc có thể xảy ra nghiêm trọng trên đường 3 Tháng 2 một khi dự án Hà Đô 756 Sài Gòn được chủ đầu tư đưa vào khai thác.
Không cấp phép là đúng! Về quy định không cấp phép xây dựng cho các công trình tập trung đông người ở những trục đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông của Tp.HCM, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM đánh giá đây là một chủ trương đúng và cần phải làm ngay vì hạ tầng giao thông ở TP đã quá tải trầm trọng. Ông Cương cũng cho rằng, nếu TP không nhanh chóng đánh giá tổng thể mà vẫn để các chung cư, cao ốc ồ ạt mọc lên thì sẽ rất nguy hiểm khi áp lực lên hạ tầng giao thông càng gia tăng và kẹt xe là chuyện tất yếu. Theo ông Cương, khi quy hoạch một khu đô thị cần tính toán số lượng người, phân loại từng phương tiện, nhu cầu di chuyển, giao thông công cộng... Tất cả những vấn đề này đều phải đưa ra kịch bản, mô hình cụ thể để đánh giá và từ đó mới có phương án khả thi. |
(Theo Người lao động)
Người viết : VIETHOME