Nhu cầu nhà ở tại Việt Nam vẫn rất cao
- Thứ tư - 07/11/2018 19:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Cơn sốt" bất động sản tại Việt Nam có thể sẽ hạ nhiệt trong một vài thời điểm nhưng đó chỉ là những quãng nghỉ chứ chưa dừng lại được. Nguyên nhân là diện tích nhà ở bình quân trên đầu người tại nước ta vẫn thuộc diện thấp, chỉ đạt 22,8m2/người so với mức chuẩn 25m2/người của thế giới.
Nhu cầu nhà ở chỉ sau… ăn uống
Khi mở cửa, hội nhập với thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến một tốc độ đô thị hóa nhanh chưa từng có. Các đô thị mọc lên như nấm, dòng người di chuyển từ nông thôn ra thành thị diễn ra mạnh mẽ, kéo theo đó là nhu cầu “an cư lạc nghiệp” tăng lên nhanh chóng.
Đây chính là cơ hội để hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ra đời, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đổ vào BĐS ồ ạt, thường xuyên nằm trong top 3 ngành nghề thu hút vốn nước ngoài nhiều nhất.
Trong một báo cáo chuyên sâu đánh giá về tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận các đô thị Việt Nam đã đảm bảo được nguồn cung nhà ở đa dạng để đáp ứng các nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường. Điều khiến Ngân hàng Thế giới phải ngạc nhiên đó là một nước có thu nhập thấp hơn nhiều nước khác và đang đô thị hóa với tốc độ nhanh, song Việt Nam có ít các khu nhà ổ chuột.
Diện tích nhà ở bình quân trên đầu người tại Việt Nam vẫn thuộc diện thấp
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đây là một kết quả đặc biệt đáng kinh ngạc khi so sánh với các thành phố ở những nước có thu nhập cao hơn Việt Nam, như Philippines, Ấn Độ, Indonesia hay Brazil và nhiều nước khác.
Điều đặc biệt đáng kinh ngạc mà Ngân hàng Thế giới đề cập có phần không nhỏ của các doanh nghiệp BĐS và thị trường địa ốc.
Về sự phát triển vượt trội của thị trường BĐS những năm qua, ông Phạm Văn Đại, chuyên gia của Công ty Savills Vietnam lý giải, con người có nhiều nhu cầu, trong đó cơ bản nhất là ăn mặc và chỗ ở, rồi mới đến giáo dục, y tế... Tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế đều phục vụ các nhu cầu khác nhau đó của con người và ngành BĐS phục vụ một trong những nhu cầu cơ bản nhất là nhà ở.
“Con người ai cũng có nhu cầu về nhà ở. Không hiểu sao vẫn có những nhận định thấp vai trò của thị trường BĐS. Tôi nghĩ nhu cầu nhà ở chỉ đứng sau nhu cầu ăn uống và mặc thôi, đứng trên nhu cầu giáo dục, y tế”, ông Đại nói.
Chuyên gia này cho rằng, việc BĐS phát triển mạnh ở Việt Nam không có gì khó hiểu. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của Việt Nam so sánh với các quốc gia trên thế giới vẫn ở mức rất thấp.
Cụ thể, vào năm 2016 mỗi người dân Việt Nam chỉ sở hữu diện tích nhà ở bình quân là 22,8m2/người và năm 2017 đang phấn đấu nâng lên 23,4m2/người. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với mức chuẩn của thế giới là 25m2/người và Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều. Trong khi với số dân hàng tỷ người, từ vài năm trước mỗi người dân Trung Quốc đã sở hữu trung bình 30m2 nhà ở.
Để có được con số diện tích nhà ở bình quân đầu người là 22,8m2 thì Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực từ chính sách nhà nước cho tới các doanh nghiệp BĐS.
Năm 2009, diện tích bình quân nhà ở mới đạt 18,6m2/người. Khi ấy, nhiều người thu nhập thấp không có cơ hội và điều kiện tạo lập nhà ở và phải chờ đến khi Nhà nước định hướng chính sách, tạo cơ hội để doanh nghiệp BĐS chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở cho người thu nhập thấp thì tình hình mới được cải thiện phần nào. Giấc mơ có chỗ “an cư” của nhiều người Việt tưởng ngoài tầm tay thì đã phần nào thành hiện thực. Nhưng so với kỳ vọng của người dân thì chưa đạt được.
Thị trường BĐS vẫn chưa có đủ nguồn nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, nhà ở cho thuê giá rẻ để giải quyết nhu cầu cấp bách của người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
Nhu cầu lớn hút nguồn vốn lớn
Sự phát triển của thị trường BĐS ở Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tất yếu
Với nhu cầu quá lớn, các nguồn lực trong nền kinh tế như tài chính, ngân hàng,… đều hướng đến BĐS. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì BĐS phát triển là điều hiển nhiên.
Trước những ý kiến cho rằng BĐS “quá nóng” sẽ dẫn đến hệ lụy nợ xấu, tồn kho, nguy cơ rửa tiền…, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngành nghề nào cũng có mặt tốt, mặt xấu, điều quan trọng là phải khắc phục những mặt trái đó chứ không phải vì thế mà phủ nhận những mặt tốt.
TS Hiếu chia sẻ, mặt tốt của BĐS dĩ nhiên là đóng góp xây dựng nền kinh tế vì BĐS liên quan nhiều ngành như xây dựng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. BĐS cũng cung cấp nhà ở, trung tâm thương mại cho các thành phố lớn.
Song, có phải vì thế mà BĐS đã được “nuông chiều” hơn các ngành khác hay không? Tại nhiều hội thảo, đã có ý kiến cho rằng Việt Nam tập trung quá nhiều cho BĐS, chưa chú trọng phát triển các ngành công nghiệp khác thực sự.
Các chuyên gia cho rằng, mỗi ngành đều có vai trò riêng của mình trong nền kinh tế. Trong bối cảnh của một nền kinh tế mới chuyển đổi sang cơ chế thị trường, thị trường sản xuất và tiêu dùng còn yếu kém, non nớt, nhân lực, tài lực chưa đủ thì việc đòi hỏi phải có ngay các doanh nghiệp mạnh về công nghiệp, công nghệ là chưa thể có ngay. Tất cả các nền kinh tế đều phải trải qua những giai đoạn phát triển kinh điển, từ yếu đến mạnh, từ một số lĩnh vực mạnh dần lên đến ngày càng nhiều lĩnh vực lớn mạnh.
Thực tế trên thế giới và Việt Nam cho thấy, BĐS là tiền đề để thúc đẩy các ngành có liên quan như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, trang thiết bị nội ngoại thất, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn...
Từ thành công với BĐS, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng đã hướng đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp, bán lẻ, y tế, giáo dục,... Và bản thân những doanh nghiệp mạnh trong các lĩnh vực khác như thép, xây dựng... cũng có cơ cấu tài sản một phần từ đầu tư BĐS.
Điều đó chứng tỏ, sự phát triển của thị trường BĐS ở Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu thực và phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn hiện tại.
Theo Vietnamnet
Người viết : VietHome