Công ty cổ phần đầu tư VietHome

https://viethome.net.vn


'Nhắm mắt' mua đất Phan Thiết cũng lời?

Bất động sản Phan Thiết "rực lửa" khi mỗi ngày một thông tin khởi công dự án tỉ đô này, chuẩn bị đưa vào khai thác siêu dự án kia được đăng tải...
thanh long
Một năm trước lô đất trồng cây lâu năm này chỉ có giá 300 triệu đồng, nay tăng gấp 3-4 lần (Ảnh: MAI KA)

"Mọi người ơi, mấy đứa Hà Nội rủ nhau vào mua đất Phan Thiết, 1,3 tỉ đồng/công (1 công = 1.000 m2) cùng xã bọn mình mua đó. Giờ bán không, thấy lời ham quá" - B. Ngọc, phụ trách truyền thông một công ty tài chính nhắn tin trong "Group Phan Thiết" hỏi. "Từ từ, đừng vội. Đợi sân bay và mấy dự án giải trí tỉ đô kích thêm tí đã" - một người trả lời. 

Những giao dịch thót tim

Chỉ nửa tháng trước đó, cũng "một người ở Hà Nội" trả 900 triệu đồng/công", gấp 3 lần so với giá mà "nhóm Phan Thiết" đã mua chưa đầy 1 năm tính đến thời điểm hiện tại theo thông báo của một thành viên trong nhóm. Nhưng tâm lý "cắt lỗ dễ hơn gồng lãi" khiến giao dịch không thành dù 2/3 người trong nhóm nghiêng về bán chốt lời. "Thấy chưa, bán cho ông kia thì mất gần nửa tỉ một công rồi" - chị B. Ngọc, phe thiểu số không bán cảnh báo với vẻ dương dương tự đắc. Những người còn lại gật gù thừa nhận. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều người, mua thì dễ nhưng bán không đơn giản. Chọn nhầm thời điểm, mất tiền tỉ như chơi. Nhưng thời điểm nào có thể ra hàng là câu hỏi không có đáp án. Chị Mỹ Hạnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn còn chưa hết "đứt ruột" khi kể về việc bán đất ở Điện Ngọc (Quảng Nam). "Tết năm ngoái ông chồng tôi cần vốn, ra Quảng Nam bán được 1,5 tỉ đồng. Tết rồi về đúng chỗ đó, giá 6,5 tỉ đồng. Điện Ngọc giờ ngày nào cũng sốt, nghĩ mà đau từng khúc ruột, mất ngủ mấy đêm. Đúng là số chưa giàu" - chị Hạnh than.

Thực tế, Phan Thiết đã nóng hầm hập ngay từ những tháng đầu năm nay. Khi các vùng trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc... còn đang nghe ngóng các động tĩnh về chính sách thì giới đầu cơ, đầu tư ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đổ dồn về đây. Ở các quán cà phê, quán nhậu, quán nước vỉa hè... chủ đề chính, nếu không muốn nói là duy nhất là đất. Nhưng không phải Phan Thiết bây giờ mới nóng. Từ đầu năm 2018, khi thông tin dự án sân bay, đường cao tốc sẽ được khởi động trở lại đã kéo một loạt "đại gia" bất động sản về đây. Một cách tức thì, dòng người ùn ùn kéo về Phan Thiết mua bán, sang nhượng, thậm chí lướt sóng ngay khi mới đặt cọc. Người ta mua đất bất chấp. 

Có những giao dịch khi đã hoàn thành, cả 2 phía đều "toát mồ hôi" vì tính mạo hiểm của nó. Đó là một buổi trưa cuối tháng 5.2018 tại Coffee Bean Metropolitian (Q1, TP.HCM) một nhóm người chụm đầu vào tờ giấy A4 kẻ ngang, kẻ dọc từng ô có chú thích chiều dài, chiều rộng. Chị Hiền, nhà môi giới chỉ tay lên những ô có đánh dấu X dặn "đó là những lô đã có chủ. Chọn những lô còn lại nhé". Gần chục người, mỗi người chọn một lô (tương đương 1 công), giá 300 triệu đồng, được giới thiệu là cách sân bay khoảng 3 km. Theo hướng dẫn của chị Hiền, mỗi lô đặt cọc 10 triệu đồng, chuyển thẳng vào tài khoản của anh Hướng, chủ đất kèm theo hình chụp chứng minh nhân dân, hộ khẩu và số lô đất đã chọn. "Khi nào làm xong thủ tục, chủ đất sẽ gọi điện xuống công chứng là xong, đỡ mất công đi lại nhiều"- chị Hiền thành thạo chỉ dẫn. Thêm10 hình chữ nhật trên tờ A4 được đánh dấu X, tương đương với 10 công đất trồng cây lâu năm ở xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) chính thức có chủ. 

Nửa tháng sau khi chuyển tiền cọc anh Hướng gọi điện hẹn 9 giờ sáng tại một phòng công chứng ngoại nằm ở ô Phan Thiết. "Nhớ đúng giờ vì thứ sáu công chứng chỉ làm buổi sáng thôi"- anh Hướng dặn kĩ. 6 giờ sáng hôm đó, 3 xe xuất phát từ TP.HCM chạy như bay về miền đất hứa. Anh Hướng là khách quen nên khi nhóm người từ TP.HCM đến nơi thì mọi cái đều sẵn sàng. Người mua chỉ cần kiểm tra lại thông tin cá nhân rồi ký tên, lăn tay. Thủ tục công chứng hoàn thành sát giờ nghỉ trưa, chủ - khách đều hỉ hả. Bỗng một người trong nhóm sực hỏi "Ủa, đất ở đâu anh dẫn bọn em đi xem cái". Tới lúc đó, tất cả mới giật mình, chưa ai biết "mặt mũi" lô đất như thế nào, ở đâu. Trong "cơn say đất", chẳng ai để ý đến những thủ tục cơ bản nhất của giao dịch. Thế là lại lục đục kéo nhau theo xe anh Hướng chạy về xã Thiện Nghiệp. "Zô nào, dân chuyên nghiệp là như vậy. Về tới Sài Gòn bọn em sẽ chuyển nốt tiền nhé. Anh giữ giấy hẹn lấy sổ đỏ là vẫn nắm đằng chuôi mà". "ok, zô". Tiền chuyển đúng hẹn, 10 sổ đỏ cũng được chuyển phát nhanh về TP.HCM sau đó. Hoàn tất một giao dịch.

Sân bay, cao tốc... "đốt" giá
 
Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, 1 thập kỷ trước Mũi Né (Phan Thiết) đã mọc lên hàng trăm khu resort và trở thành "thủ phủ resort" của Việt Nam, thu hút rất nhiều du khách quốc tế và trong nước. Khoảng năm 2004- 2005, người viết bài này được mời tham dự buổi gặp gỡ của gần 50 tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài tại một resort ở Mũi Né để bàn cách quảng bá cho loại hình du lịch hội nghị, hội thảo kết hợp với nghỉ dưỡng (du lịch MICE) còn mới mẻ tại Việt Nam thời điểm đó. Khi ấy, tiềm năng của Mũi Né được đánh giá cao, nhiều giải pháp được đưa ra và ai cũng tin tưởng vào hiệu quả của nó. Thế nhưng ở đến ngày thứ 2 - 3, khách trong resort bắt đầu nản vì tắm biển, tắm hồ xong không biết làm gì ngoài ngủ. Ẩm thực cũng là một vấn đề lớn. Đồ ăn trong resort thì đơn điệu, đi ra ngoài thì bất tiện. Mũi Né xác định thu hút khách lưu trú thời gian dài nhưng cả ăn và chơi đều không có gì để giữ chân du khách. Nút thắt này kéo dài không lối thoát. Đến năm 2014, đánh giá về du lịch Bình Thuận nói chung, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhận xét : Các loại hình du lịch của tỉnh chưa phong phú, đa dạng. Còn thiếu điểm vui chơi, giải trí và mua sắm hàng lưu niệm; kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là giao thông đối ngoại còn yếu kém và chưa đồng bộ… Từ "thủ phủ resort", Mũi Né chính thức nhường chỗ cho các điểm đến khác như Cam Ranh, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng...

Nhưng đây cũng là một trong những lý do khiến đất Phan Thiết sốt hầm hập hiện nay. Do chững lại nên quỹ đất ở Phan Thiết còn lớn, mặt bằng giá đất còn thấp hơn rất nhiều so với những thị trường truyền thống như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. "Mua rẻ kiểu gì cũng tăng, tiền ít không lo chôn vốn" - chân lý đó được giới đầu cơ "bơm" vào đầu người mua, rỉ tai từ người này sang người khác khiến thiên hạ gạt phăng những lo ngại để mạnh tay xuống tiền. Nhưng lý do quan trọng nhất khiến đất Phan Thiết sốt sình sịch thuộc về hạ tầng và cung cầu. Đầu tiên là hạ tầng. Sân bay Phan Thiết đã chính thức được điều chỉnh quy mô đầu tư từ hơn 5.000 tỉ lên hơn 10.000 tỉ đồng để trở thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng dự kiến sẽ chính thức khởi công vào quý 3/2019. Bên cạnh đó, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng cũng dự kiến khởi công trong 6 tháng tới. Vừa có sân bay, vừa có đường cao tốc. Ai cũng tin, đất tăng chắc. Thứ 2 là cung - cầu. Năm 2018 Mũi Né - Phan Thiết đón trên 6 triệu lượt khách, Chính phủ đã "đặt hàng" Mũi Né đón khoảng 9 triệu khách vào năm 2025 và 14 triệu khách năm 2030. Thế nhưng năng lực hiện tại của Mũi Né, thủ phủ du lịch của tỉnh này lại rất khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 phòng khách sạn 4-5 sao. Tất nhiên, các ông lớn bất động sản không bỏ qua những thông tin này. Theo thống kê sơ bộ, năm 2019 sẽ có 18 siêu dự án, với tổng mức đầu tư gần 3 tỉ USD đổ vào Phan Thiết. Không còn nóng, bất động sản Phan Thiết rực lửa khi mỗi ngày một thông tin khởi công dự án tỉ đô này, chuẩn bị đưa vào khai thác siêu dự án kia được đăng tải. 

"Đất à, đợi qua tháng 5 nhé"

Đầu tháng 4.2019 khi đất Phan Thiết nổi sóng, chị B. Ngọc vội vàng gọi điện cho anh Hướng, chủ đất đã bán cho chị năm trước. "Đất đai thế nào anh ơi, còn không để cho tụi em ít" "Trời, nó tăng quá. Chục ngày rồi tôi bán gần 80 lô" "Gì ghê vậy, giờ còn không anh?" "Còn 6-7 lô mà tính để lại..." "Để lại chi, bán cho em đi. Chốt nhé". Nói chốt nhưng để chắc chắn, chị Ngọc có xác nhận thêm bằng tin nhắn do bận đi công tác. 1 tuần sau chị gọi lại thì nhận được thông báo đã hết hàng. "Chốt mà không chuyển cọc. Chịu" "Vậy có hàng nữa không? bao giờ có anh ?". "Đất à, đợi qua tháng 5 nhé". "Ok anh, dân chơi chuyên nghiệp mà anh lo gì. Tuần rồi em bận quá chưa kịp gom tiền của mọi người để chuyển. Lần này chắc nhé" "Chắc".

Người mua chưa biết "đất mới" ở đâu; quy hoạch thế nào. Người bán cũng chẳng hỏi mua bao nhiêu lô, cũng không hẹn đặt cọc. Họ cứ hồn nhiên "đến với nhau" qua những giao dịch thót tim như vậy. Bởi họ vẫn tin "nhắm mắt mua đất Phan Thiết cũng lời" nhờ sân bay, đường cao tốc...
 

Tác giả bài viết: Viethome Group

Nguồn tin: (Theo Thanh niên online)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây