Công ty cổ phần đầu tư VietHome

https://viethome.net.vn


Nguyên nhân giá đất tăng mạnh đầu năm 2018

(VietHome) Việc giá đất tăng thời gian sau Tết Nguyên Đán gần như năm nào cũng có, tuy nhiên tăng mạnh và tăng trên diện rộng như năm nay thì phải nhìn nhận lại nguyên nhân và cần có giải pháp đúng đắn.

Dưới đây là 6 nguyên nhân cơ bản làm sốt giá đất theo lý giải của ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VietHome:

1. Do nguồn tiền trong dân

Nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong nhiều năm liên tục tạo điều kiện cho người dân tích luỹ đủ để đầu tư. Cộng thêm dòng tiền kiều hối không ngừng đổ về cũng góp phần thúc đẩy người dân đầu tư bất động sản. Sau sự cố tiền gửi ngân hàng bị "bốc hơi" hàng trăm tỉ đồng lùm xùm thời gian gần đây, người dân nảy sinh tâm lí e ngại, dè dặt khi gửi ngân hàng.

viethome-tin-tuc-bat-dong-san-55

Ngân hàng bất ổn khiến người dân muốn đầu tư vào một kênh khác

Song song đó, người dân bắt đầu kỳ vọng vào tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với gửi ngân hàng nên đã rút dòng tiền "chết" ra đổ vào bất động sản.

2. Do chính sách khiến tâm lý người dân lo lắng, thúc đẩy họ đi mua

Việc thắt chặt tách thửa tại các tỉnh, thành phố khiến nguồn cung tạm thời bị khan hiếm. Tại Tp.HCM, quyết định 60 khiến nhiều khu vực trước đây tách thửa được thì nay lại không vì vướng “quy hoạch dân cư mới”. Hay tại Bình Dương, để tách thửa được nơi đó phải có điện đầy đủ như khi thực hiện một dự án, đủ cây xanh, có nước máy,...

Những chính sách này khiến cả người mua lẫn người bán đều lo lắng. Nếu bán sẽ khó mua lại, nếu không mua ngay thì giá đất sẽ tăng. 

3. Do đầu tư hạ tầng và các thông tin quy hoạch

Thời gian gần đây, không chỉ nội đô Tp.HCM mà các khu vực lân cận như huyện Cần Giờ, các tỉnh Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu ... cũng xảy ra tình trạng sốt đất. Theo ông Nguyễn Anh Đào, nguyên nhân là do thông tin các tập đoàn lớn rót tiền đầu tư ở các khu vực này khiến giới đầu cơ nhảy vào đẩy giá.

viethome-tin-tuc-bat-dong-san-53

Đầu tư quy hoạch rầm rộ cũng là nguyên nhân khiến đất tăng giá

Khi có đầu tư thì một lượng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cũng là một kênh cung cấp vốn cho bất động sản bởi khi có quy hoạch chỗ này thì họ nhảy sang chỗ khác để mua. 

4. Do quan niệm đất là tài sản thiết yếu

Đối với đại đa số người Việt Nam, đất là tài sản để dành, là tài sản để đầu tư, là một “tài sản thiết yếu” - thước đo cho một người thành công. Bởi quan niệm "có an cư mới lạc nghiệp" nên ai chưa có nhà, có đất thì xem như họ chưa thành công.

viethome-tin-tuc-bat-dong-san-54_1

Người giàu được đánh giá trên việc sở hữu đất,...

5. Do giới đầu cơ, môi giới

Đội ngũ môi giới bất động sản có xu hướng ngày càng tăng, ai cũng có thể trở thành môi giới; số công ty môi giới bất động sản thành lập mới tăng chóng mặt, chỉ tính riêng tại Tp.HCM, năm 2017 có đến hơn 5.000 doanh nghiệp bất động sản lập mới, tăng 62% so với năm 2016. 

Sự nở rộ này tạo điều kiện cho giới đầu cơ phối hợp với đội ngũ môi giới quá lớn cùng một số yếu tố khác nữa đẩy giá bất động sản tăng nhanh và rộng khắp. 

6. Do truyền thông

Trong bất kỳ "cơn sốt" nào, truyền thông đóng vai trò không nhỏ. Hàng loạt kênh truyền thông chưa phân tích sâu xa nguyên nhân tăng giá mà chỉ nêu lên hiện tượng tăng giá trên cơ sở phối hợp cùng các chủ đầu tư, các đơn vị phân phối nhằm mục đích tác động vào tâm lý người mua với nhiều kiểu “tít” khá mạnh với tần suất cao. Cùng với sức mạnh của mạng xã hội, truyền thông đã khiến cả thị trường có cảm giác "nóng hầm hập”.

Trên cơ sở nhìn nhận các nguyên nhân tăng giá này, theo ông Đào, các nhà đầu tư cũng như những người làm bất động sản cần loại bỏ hoặc khắc chế những yếu tố không mang tính bền vững hoặc thậm chí tiêu cực (các yếu tố 5, 6). 

Với một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và ổn định, đầu tư tăng (hạ tầng, đô thị,...) thì việc tăng giá bất động sản là lẽ hiển nhiên. Bất động sản là một trong ba lĩnh vực xương sống của nền kinh tế đất nước cùng với tài chính và chứng khoán, do đó cần tạo điều kiện cho nó phát triển bền vững và lành mạnh. 

Ông Đào cho rằng cần phản đối các ý tưởng can thiệp vào tính tự nhiên của thị trường như hạn chế về thời gian chuyển nhượng (phải để một thời gian rồi mới được bán, đánh thuế mang tính sự vụ,...). Bởi những hành vi can thiệp này có thể gây bất ổn cho thị trường.

"Một công cụ điều tiết quan trọng đó là điều hành thông qua chính sách tài chính. Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông báo hạn chế cho vay đầu tư bất động sản là rất hợp lý và kịp thời nhưng cần thực hiện quyết liệt", ông Đào cho biết. 

Về giải quyết nguồn cung: Bên cạnh các khó khăn về chính sách thủ tục nói chung còn kéo dài thì chính sách tính thuế chuyển mục đích sử dụng đất cũng là một cản trở khiến doanh nghiệp lo sợ không dám lập dự án (vì việc áp giá thị trường khiến nhiều khi giá thành cao hơn cả giá bán).

Về lâu dài Nhà nước cần kiểm soát được thị trường bằng một số giải pháp như quy hoạch tổng thể một cách đồng bộ và bài bản, thúc đẩy việc phát triển phân vùng đô thị một cách hợp lý, cấp giấy chứng nhận bất động sản đầy đủ, hệ thống dữ liệu đồng nhất toàn quốc; cấp mã số công dân; quy định về giao dịch qua ngân hàng... từ đó sẽ kiểm soát được thị trường, tăng nguồn thu từ bất động sản, không để tình trạng mất kiểm soát như hiện nay.


Người viết : VietHome
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây