Nguồn cung căn hộ giá rẻ đang ở mức báo động
- Thứ năm - 08/11/2018 07:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù căn hộ giá rẻ đang là cứu cánh cho phần đông khách hàng có nhu cầu ở thực nhưng hiện nay phân khúc này lại ít được các chủ đầu tư mặn mà. Giấc mơ an cư lạc nghiệp của số đông người dân Sài Gòn đang ngày càng khó hiện thực.
Nguồn cung luôn ở mức báo động
Phân khúc căn hộ nhà giá rẻ luôn được khách hàng có nhu cầu ở thực quan tâm. Có thể nói tại TP.HCM, nhu cầu này chẳng những không giảm mà ngày càng tăng cao do lượng dân nhập cư ngày càng đông.
Đánh giá về nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ hiện nay, ông Nguyễn Quốc Vy Liêm - Phó Tổng Giám đốc LDG Group, cho biết: “Không chỉ gần đây mà trong nhiều năm qua, phân khúc này luôn khan hiếm sản phẩm. Ví dụ, theo thống kê trong quý 2/2017 thì có khoảng hơn 10.000 căn hộ tại TP.HCM được tung ra thị trường. Tuy nhiên, số lượng căn hộ tầm trung, vừa túi tiền và dành cho người có thu nhập thấp chỉ chiếm chưa đến 40%.
Điều này cho thấy đa phần các chủ đầu tư đang xây dựng các khu căn hộ thuộc phân khúc cao cấp và tiệm cận cao cấp. Bên cạnh đó, khảo sát của Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết hiện có gần 500.000 hộ dân chưa có nhà ở thì rõ ràng phân khúc này vẫn còn rất dồi dào nhưng chưa được các chủ đầu tư quan tâm nhiều”.
Căn hộ giá rẻ ngày càng khan hiếm nguồn cung
Lý giải về sự thờ ơ của các chủ đầu tư đối với phân khúc này, ông Lê Sỹ Nam - Tổng Giám Đốc Công ty Nhà Thời Đại, cho biết: “Đầu tư dự án nhà ở giá rẻ trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn vì quỹ đất tốt đang ngày càng ít dần, chi phí vật liệu xây dựng tăng. Do đó chủ đầu tư phải tính toán rất chi tiết, cẩn thận từng chút một sao cho giá bán phải vừa túi tiền với khách hàng có thu nhập trung bình. So với phân khúc trung và cao cấp, lợi nhuận mang về khi bán căn hộ giá rẻ sẽ rất ít nên đa số các chủ đầu tư sẽ không mặn mà với phân khúc này”.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Liêm cho rằng ngoài vấn đề quỹ đất và chi phí xây dựng thì yếu tố pháp lí cũng là trở ngại gây chùn bước cho các chủ đầu tư, cụ thể: “Việc đền bù giải tỏa, xin phép và các vấn đề pháp lý liên quan của dự án dù nhỏ hay lớn, cao cấp hay trung bình cũng đều như nhau và mất khá nhiều chi phí, thời gian. Do đó, tâm lý các chủ đầu tư là đã lỡ mất thời gian lập dự án, triển khai như nhau thì làm phân khúc cao cấp sẽ lợi nhuận hơn”.
Hệ quả khôn lường
Ghi nhận thực tế tại thị trường TP.HCM, số lượng các dự án ở mức giá trên dưới 1 tỷ rất khan hiếm. Trong đó, có thể kể đến Heaven Riverview (Q.8), Saigon Intela (Nam Sài Gòn), Marina Tower (Bắc Sài Gòn), Green Town (Q.Bình Tân)… Dự kiến, trong quý 3, thị trường sẽ có thêm nguồn cung mới từ dự án Roxana Plaza (Bắc Sài Gòn) và Hausneo (Q.9).
Ông Trần Lê Thanh Hiển - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Danh Khôi Việt (DKRV), cho biết: “Nếu tình trạng khan hiếm này kéo dài sẽ dẫn đến hệ quả giá căn hộ bị đẩy lên trở thành phân khúc trung và cao cấp. Trong khi mặt bằng thu nhập của người dân thành phố lại chưa thực sự được cải thiện. Việc sở hữu nhà sẽ ngày càng vượt khỏi tầm tay của người dân có thu nhập trung bình. Thị trường có thể sẽ dịch chuyển sang phân khúc căn hộ cho thuê”.
“Việc nguồn cung nhà giá rẻ khan hiếm kéo theo nhiều hệ lụy về mọi mặt an sinh, môi trường, quản lý hành chính. Có thể dẫn đến hình thành các khu nhà tạm bợ, phát sinh khu “ổ chuột” và kéo theo vấn đề tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, lượng căn hộ giá rẻ thấp hơn so với nhu cầu của người dân còn làm cho các chính sách tín dụng về nhà ở, bất động sản khó định hướng, kiểm soát” - ông Liêm bày tỏ lo ngại.
Các chuyên gia cho rằng, sự bất hợp lí trong cán cân cung cầu ở phân khúc nhà giá rẻ làm cho mong muốn được sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp đô thị ngày càng khó khả thi. Đây là vấn đề nan giải nếu thiếu các chính sách hỗ trợ cũng như chiến lược lâu dài của nhà nước.
Kim Cương
Người viết : Viet Home