Dự báo bùng nổ nguồn cung khách sạn hạng sang tại Tp.HCM
- Thứ tư - 07/11/2018 08:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện nay, tại Tp.HCM, nguồn cung khách sạn cao cấp chỉ chiếm 35% nguồn cung. Nhưng trong giai đoạn 2017-2020, thị trường khách sạn Tp.HCM sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc hạng sang.
JLL Việt Nam vừa công bố báo cáo về điểm đến để đầu tư khách sạn tại 26 thành phố thu hút du khách trên toàn thế giới. Trong danh sách này có 2 thành phố lớn của Việt Nam là Tp.HCM và Hà Nội. Đặc biệt, với sự tăng trưởng nguồn cung cả về lượng và chất, Tp.HCM đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ.
Năm 2016, 703 phòng khách sạn mới đã được đưa ra thị trường Sài Gòn. Và sang năm 2017, ước tính thị trường sẽ có thêm khoảng 1.000 phòng. Trong tổng nguồn cung, 35,4% là phòng cao cấp có thương hiệu quốc tế và cả nội địa, lượng phòng trung cấp chiếm 27,8%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2020, phân khúc phòng hạng sang sẽ được Tp.HCM tập trung phát triển với 48,4% nguồn cung trên thị trường và phân khúc cao cấp chiếm khoảng 42,4%.
Trong 4 năm tới, thị trường khách sạn Tp.HCM sẽ chủ yếu đón nhận nguồn cung mới thuộc phân khúc hạng sang. Ảnh: Vũ Lê |
Nguồn cung khách sạn tại Tp.HCM có sự dịch chuyển và thăng hạng đã cho thấy thị trường đang có bước tiến lớn. JLL dự báo, đến năm 2020, Tp.HCM sẽ có thêm 3.500 phòng nữa.
Năm 2016, lượng khách quốc tế đến Tp.HCM là 5,2 triệu người, tăng 10,6% so với năm 2015 và vượt mức tăng 8,5% mà chính phủ dự kiến. Trong giai đoạn 2011-2016, mức tăng trưởng hàng năm (CAGR) mà thành phố đã đăng ký là 10,9%. Sự tăng trưởng này là nhờ vào những nỗ lực của thành phố trong việc tăng cường các chuyến bay, chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình lễ hội, tham dự các chuyến du lịch lữ hành và biểu diễn lưu động ở quốc tế, tập trung vào văn hoá và du lịch sinh thái.
Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, và Mỹ. Tại Nhật Bản, Tp.HCM vẫn không ngừng nỗ lực quảng bá hình ảnh. Đồng thời, thành phố cũng tiến hành mở rộng tại những thị trường mới như Nga, Ấn Độ. Đây là 2 thị trường đầy tiềm năng. Dự kiến, vào năm 2017, lượt khách quốc tế đến thành phố sẽ đạt gần 6 triệu. Năm 2016, lượng khách du lịch nội địa đến trung tâm kinh tế và giải trí này là 21,8 triệu khách và mục tiêu trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 24 triệu lượt.
Theo Tạp chí Condé Nast Travele, nhờ vào những nỗ lực quảng bá của chính phủ, cải thiện các điểm du lịch an toàn, Tp.HCM là một trong 50 thành phố đẹp nhất thế giới và đang nhanh chóng trở thành điểm du lịch quốc tế. Với việc thường xuyên nâng cấp các khu bảo tàng, di tích, phê duyệt phát triển Làng văn hóa du lịch Sài Gòn, công viên sinh thái (safari), Tp.HCM vẫn đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và những năm tiếp theo để hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Theo VnExpress
Người viết : VietHome