Đề nghị của Bộ Tài chính khiến dân hoang mang
- Thứ tư - 07/11/2018 19:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều người đã đặt cọc mua nhà, căn hộ tỏ ra hoang mang trước kiến nghị của Bộ Tài chính về việc thanh tra 60 dự án trên đất của doanh nghiệp nhà nước. Đã có những chủ đầu tư phải gửi thông báo “trấn an” khách hàng.
Trong số 60 dự án thuộc danh sách Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ có những dự án đã hoàn thành, có dự án vẫn đang thi công hoặc chuẩn bị đầu tư...
Người mua sợ tốn thêm chi phí
Lo lắng dự án sau thanh tra sẽ bị định giá lại và có khả năng phải tăng đóng góp, nhiều người mua nhà đã liên hệ chủ đầu tư.
Bà N.T.H. (quận Bình Thạnh, Tp.HCM) mua căn hộ tại một dự án ở quận Phú Nhuận, là dự án có tên trong danh sách mà Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thanh tra. Bà H. cho biết bà mua căn hộ trong dự án này từ năm 2015, theo cam kết thì quý III năm nay sẽ nhận nhà.
Tuy nhiên, sau khi đọc thông tin, cảm thấy bất an, nhiều người dân mua nhà tại dự án này đã liên tục gọi điện hỏi chủ đầu tư. Theo bà H., mọi người hiện đều lo lắng vì đến nay cũng chưa rõ dự án có bị đình chỉ thi công hay không.
Một trường hợp khác là Công ty địa ốc R. triển khai dự án trên khu đất 2.000m2. Khu đất này trước đây là văn phòng công ty, thuộc diện trả tiền thuê đất hằng năm.
Theo quy định thì thời điểm công ty R. tiến hành cổ phần hóa, giá trị đất thuê đang trả tiền thuê đất hằng năm như trên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa. Sau đó, công ty này đã xin chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án nhà ở thương mại. Đại diện công ty - ông T.B. cho biết dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng và sắp đến hạn bàn giao nhà cho khách hàng.
Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về đề nghị của Bộ Tài chính, nhiều đối tác và khách hàng liên tục liên lạc hỏi thông tin, ông B. tiết lộ doanh nghiệp đã phải làm văn bản giải thích gửi đến khách hàng.
Trong danh sách 60 dự án đề nghị thanh tra, hầu hết đang trong quá trình xây dựng, vì thế ông B. lo ngại điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân của ngân hàng.
Về việc xác định giá đất của doanh nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng, theo một thành viên Hội đồng thẩm định giá đất Tp.HCM thì so với quy trình thẩm định giá trước đây, hiện nay thẩm định giá thực sự đã chặt chẽ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi có hay không việc sai phạm, kẽ hở trong chuyển đổi “đất vàng” thì vị này trả lời hiện vẫn chưa có quyết định thanh tra, nên cần chờ để xác định có sai sót gì...
Chủ đầu tư sẽ phải chịu?
Để trấn an người mua nhà, chủ đầu tư một dự án có tên trong danh sách đề nghị thanh tra cho biết hiện vẫn chưa nhận được thông báo việc dự án bị thanh tra, cũng như chưa biết có phải nộp thêm tiền sử dụng hay không.
Tuy nhiên, vị này khẳng định chắc chắn những người đã ký hợp đồng mua bán sẽ không bị thiệt. Trường hợp kết quả thanh tra cho thấy dự án phải tăng tiền sử dụng đất ở mức chấp nhận được thì chủ đầu tư sẽ chịu phần tiền này. Còn nếu mức tăng quá lớn thì doanh nghiệp sẽ buộc kiến nghị giảm xuống.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cũng nói: "Người mua nhà không có lỗi, nên đương nhiên họ không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án nếu có”.
Dự án cao ốc thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ chung cư trên khu đất tại 104 Nguyễn Văn Cừ (quận 1, Tp.HCM) của Tổng công ty Bến Thành TNHH một thành viên nằm trong danh sách các dự án bị đề nghị thanh tra. Ảnh: Quang Định |
Trả lời báo Tuổi Trẻ về việc này, một lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định tinh thần của Bộ này cũng là 'ai sai người đó chịu'.
Trong trường hợp kết quả thanh tra cho thấy cần phải nộp bổ sung tiền cho Nhà nước tại các dự án nhà ở, căn hộ đã hoàn thiện, người dân đã trả xong tiền thì chủ dự án sẽ phải bù thêm khoản tiền này.
Còn với những dự án đang triển khai, người dân chưa nộp tiền, nếu dự án phải nộp bổ sung tiền và chủ đầu tư muốn yêu cầu người dân nộp thêm phải tuân theo hợp đồng quy định và thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, cụ thể thế nào phải chờ khi có kết quả thanh tra để các cơ quan chức năng tính toán, công bố biện pháp xử lý, theo đúng quy định của pháp luật.
Sửa quy định, không dừng thi công
Hiệp hội bất động sản Tp.HCM vừa chính thức gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung, sau 10 năm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhiều khu đất nhà xưởng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, hình thành nên các khu căn hộ, khu thương mại... góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị.
Trong quá trình thực hiện, theo HoRea đúng là có một số điểm chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát tài sản của nhà nước nên cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi, thay thế các quy định trước đó.
Ngoài ra, HoRea cũng cho rằng cần sửa Luật đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật đấu thầu để khắc phục khả năng đấu giá, đấu thầu có “quân xanh, quân đỏ”.
Chủ tịch HoRea cho biết dù Bộ Tài chính đã có kiến nghị nhưng Chính phủ cần đưa ra giải pháp xử lý phù hợp để vừa đảm bảo tránh thất thu ngân sách đồng thời không ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, nhất là của người mua nhà.
Cụ thể, đại diện Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được thi công dự án tiếp với điều kiện sau khi có kết luận thanh kiểm tra, họ phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh của dự án (nếu có).
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận xét, hiện nay việc định giá tài sản, nhất là đất đai tại các doanh nghiệp cổ phần hóa còn rất sơ sài. Vì thế, theo TS Hiển, những thông tin về định giá phải được công bố minh bạch. “Tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải được đưa ra đấu giá công khai. Cách làm này giúp đảm bảo thu về cho Nhà nước giá trị lớn nhất”, ông Hiển phân tích.
Trong khi đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - thì việc Bộ Tài chính đưa ra 60 dự án lần này bước đầu chỉ rõ những bất cập trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Ông Long cho rằng, việc thanh tra bên cạnh xác định đúng giá đất được chuyển đổi cũng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Nhiều dự án lớn chịu ảnh hưởng Theo nội dung văn bản mà Bộ Tài chính gửi Chính phủ, cơ quan này kiến nghị thanh tra 60 dự án của doanh nghiệp nhà nước. Lý do, theo kết quả rà soát ban đầu, việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhà đất lại được UBND các tỉnh, thành phố cho chuyển đổi mục đích để triển khai xây dựng các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán (nhưng không đấu giá theo quy định - PV). Trong danh sách này có các dự án nổi bật như: Cao ốc 104 Nguyễn Văn Cừ (quận 1); Cao ốc Res 11 (quận 11); Cao ốc 128 Hồng Hà (quận Phú Nhuận); Dự án 334 Tô Hiến Thành (quận 10); Dự án tại số 8 Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận); Dự án tại 15 Thi Sách (quận 1)... Tại Hà Nội có một số dự án nổi bật như: Dự án tại 36 Phạm Hùng; 25 Vũ Ngọc Phan; 53 Triều Khúc; 60B Nguyễn Huy Tưởng... |
Không dừng thi công Sau khi nhận được đề xuất của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Cụ thể, Phó thủ tướng chấp thuận Bộ Tài chính chuyển danh sách gồm 60 cơ sở nhà, đất cho Thanh tra Chính phủ tham khảo để phục vụ công tác thanh tra. Tuy nhiên, trong văn bản này, Phó thủ tướng không có kết luận yêu cầu các dự án có tên trong danh sách phải đình chỉ thi công. |
Tuổi Trẻ Online
Người viết : VietHome