1. Thông xe cao tốc rộng nhất Việt Nam Hà Nội – Hải Phòng
Ngày 5/12, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km được thông xe. Đây là tuyến đường rộng nhất cả nước với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường này cho phép ô tô chạy với vận tốc tối đa 120 km/h chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35 m.
Đây là tuyến cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, mặt đường được trải lớp tạo nhám dày 5 cm cho phép chạy tối đa 120 km/h. Gần khu dân cư có hệ thống tường cách âm giảm. Có 9 nút giao liên thông lớn tại các điểm giao cắt với quốc lộ, ngoài ra còn có 17 cầu lớn, 24 cầu trung, 22 cầu vượt và cầu nút giao (tổng chiều dài cầu khoảng 14 km).
Sau khi hoàn thành toàn tuyến sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội và Hải Phòng từ 2,5 giờ đồng hồ xuống còn chưa đến 1,5 giờ.
2. Hoàn thành đại dự án Quốc lộ 1
Ngày 26/12, đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Ninh Thuận dài 40 km đã được thông xe. Đây là đoạn cuối cùng của dự án mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ. Toàn tuyến có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp với chiều rộng nền đường 20,5 m, có dải phân cách cứng giữa 2 chiều xe chạy, đạt tốc độ lưu thông 60-80 km/h.
Được biết, dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là "đại dự án" quốc gia với chiều dài 1.500 km đi qua 22 tỉnh, thành phố.
3. Nâng cấp xong đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) đã hoàn thành mở rộng, nâng cấp vào tháng 7/2015 với chiều dài 420 km. Đường có 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, một số đoạn qua đô thị được mở rộng đến 4 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế đạt đến 80 km/h.
Xuyên qua núi rừng Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh được nâng cấp đã xóa đi "con đường đau khổ" trước kia, tạo điều kiện cho người dân đi lại và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
4. Đưa vào sử dụng cầu vượt ngã ba Huế có quy mô lớn nhất Việt Nam
Cầu vượt ngã ba Huế là cầu vượt 3 tầng quy mô lớn nhất Việt Nam, khánh thành vào 29/3. Với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, công trình cầu vượt này được thiết kế 3 tầng, với tầng mặt đất, tầng 2 (vòng xuyến) và tầng 3 (dây văng).
Cầu vượt ngã ba Huế góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông giữa quốc lộ 1A giao với đường sắt Bắc Nam, đồng thời tạo điểm nhấn về kiến trúc giữa các khu đô thị nhộn nhịp để thu hút du lịch và thương mại.
5. Khánh thành cầu Cổ Chiên - Cây cầu mong mỏi bao đời của người dân Trà Vinh
Cầu Cổ Chiên khánh thành ngày 16/5 là mang biểu tượng mới, có nhiều ý nghĩa đặc biệt khi nối liền vùng sông nước Cửu Long. Từ đây, người dân của hai tỉnh Tây Nam Bộ là Trà Vinh và Bến Tre sống ven hai sông không còn cảnh gọi đò.
Đây là một trong bốn cầu lớn trên Quốc lộ 60, là điểm kết nối quan trọng với các tuyến đường thuộc hành lang duyên hải phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long. Với tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng, cầu Cổ Chiên dài 1,6km với 4 làn xe, tốc độ thiết kế là 80km/h. Công trình đưa vào sử dụng đã rút ngắn hành trình 70 km từ TPHCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.
Những tin mới hơn