Hợp phong thuỷ mà vẫn cá tính, hiện đại?

Chủ nhật - 05/03/2017 23:19

Hỏi: Chúng tôi là cặp vợ chồng trẻ sắp ra ở riêng, muốn xây ngôi nhà nhỏ với các nhu cầu giản dị và thông thường. Điều chúng tôi băn khoăn là làm sao cũng trong những vấn đề quen thuộc của mọi ngôi nhà, chúng tôi có thể làm được ngôi nhà có cá tính riêng, hiện đại mà vẫn đảm bảo phong thuỷ tốt.
Mặt khác, tôi thấy đa số các ngôi nhà có đi "coi thầy" đều có vẻ gì đó hoài cổ, trang trí cầu kỳ, thậm chí âm u, không lẽ cứ theo phong thuỷ là nhà phải như thế sao?


Rất mong tạp chí tư vấn cho một vài quan niệm cũng như giải pháp phong thuỷ đối với ngôi nhà của chúng tôi. Kính chúc quý báo sức khoẻ, thành đạt và trân trọng cảm ơn.

Phạm Khắc Minh, cư xá Độc Lập, Q. Tân Bình, Tp.HCM
 
Trả lời:
 
Một quầy bar nhẹ nhàng bằng các thân cừ tràm ghép lại hoàn toàn là điểm trang trí hữu dụng và che chắn tốt cho bếp mà không quá ngăn cách.

Trước tiên, cần khẳng định rằng những ngôi nhà có "coi thầy" để sắp xếp về mặt phong thuỷ mà mang dáng vẻ âm u, hoài cổ, trang trí cầu kỳ… có lẽ mới chỉ dừng lại ở việc bài trí vật phẩm phong thuỷ, lạm dụng các hình thức trang trí nhuốm màu mê tín. Khi nhà chuyên môn đủ hiểu biết và có bản lĩnh nghề nghiệp thì việc thiết kế hài hoà phong thuỷ một cách khoa học và hiện đại chính là quan điểm thiết kế kiến trúc bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm xâm hại đến môi trường… hiện nay đang là xu thế tất yếu trên thế giới. Tại Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Hong Kong… dễ dàng nhận thấy các công trình lớn nhỏ đều có sự tham gia của chuyên viên phong thuỷ ở mọi công đoạn một cách hiển nhiên. Và kiến trúc sư chủ trì luôn là người "xâu chuỗi" cuối cùng lại toàn bộ các dữ liệu để cho ra sản phẩm thiết kế đáp ứng được tối đa mong muốn của chủ đầu tư mà không hề nhuốm màu sắc thần bí hay lệ thuộc vào kiểu thức trang trí cổ xưa.

Vì vậy, để có được "ngôi nhà có cá tính riêng, hiện đại mà vẫn đảm bảo phong thuỷ tốt" thì rất cần tiến trình làm việc đúng đắn, khoa học. Trước tiên là thu thập dữ liệu ban đầu, chọn đất, chọn hướng nhà sao cho hợp khí hậu và mệnh trạch gia chủ, sau đó đến bố cục không gian và kỹ thuật xây cất. Vấn đề mệnh trạch trong phong thuỷ luôn thay đổi tùy theo chu kỳ sinh học và biến thiên thời gian. Do vậy không có cuộc đất, ngôi nhà nào hoàn hảo hoặc tồi tệ về phong thuỷ, mà chỉ có những hạn chế hoặc lợi điểm nhất thời, và ngôi nhà có thể xấu với người này nhưng lại hợp với người khác, vấn đề là sự chọn lựa cũng như điều chỉnh khắc phục sao cho phù hợp.

Yếu tố thời gian cũng cần lưu tâm, từ thời điểm khởi công (động thổ) đến dọn vào nhà ở (nhập trạch) đều liên quan mật thiết với tuổi gia chủ – chu kỳ sinh học của con người – và phải được xem xét trên quan điểm phát triển bền vững. Nhà nở hậu không chỉ có ý nghĩa về không gian mà còn nhắc nhở đến sự phát triển lâu dài về sau (hậu vận) của các thành viên trong ngôi nhà đó. Ứng dụng phong thuỷ chủ yếu cần quan tâm đến các yếu tố như môi trường ngoại cảnh, chủ thể sử dụng là ai, đối tượng tiếp xúc… nói chung là các dữ liệu về quan hệ thời gian – không gian.

Trên thực tế không có một hình mẫu thiết kế nhà theo phong thuỷ nào áp dụng đại trà được, mà phải tuỳ thuộc các điều kiện và nhu cầu cụ thể, người thiết kế sẽ sắp xếp ngôi nhà theo khả năng của mỗi chủ nhân. Đồng thời, cần định hướng một vài quan niệm từ đầu liên quan đến vấn đề "hiện đại, cá tính" như trong thư gia chủ đã đề cập. Quan niệm đầu tiên để ngôi nhà có được tính hiện đại và cá tính là cần làm những không gian mở và liên hoàn, năng động. Không nên chia phòng quá kín đáo mà cần tạo khoảng liên thông giữa phòng khách – sinh hoạt – bếp ăn... Vật dụng nên là loại tháo ráp, tủ vải hoặc kệ đa năng vì đối với gia đình trẻ khi có em bé sẽ bị xáo trộn rất nhanh và cần linh động. Đây cũng là tính chuyển tiếp khí trong phong thuỷ mà ngôi nhà truyền thống của cha ông ta đã làm rất tốt.

Quan niệm thứ hai là ngôi nhà hiện đại thường có những không gian đệm để vừa giảm được các va chạm trực tiếp với môi trường bên ngoài, vừa tăng thêm khả năng sử dụng linh hoạt. Ví dụ như thay vì bố trí một bàn ăn trong nhà có thể sẽ khá chật, ta có thể làm một quầy bar giữa bếp và phòng khách giúp giảm diện tích choán chỗ đồng thời tiện sử dụng hàng ngày.

 

Các điểm nhấn tạo cá tính cho nhà không nhất thiết phải tốn kém cầu kỳ, và phải luôn gắn chặt với cá tính và sở thích của gia chủ, không thể áp đặt khiên cưỡng.

Quan niệm thứ ba là cần tạo điểm nhấn mang tính thiên nhiên cho ngôi nhà bằng nhiều cách như trồng cây xanh, mở giếng trời, tạo tiểu cảnh. Giải pháp này phong thuỷ gọi là nổi bật khí, cụ thể là chọn loại trang trí hợp với cá tính riêng để đưa vào nội thất sao cho các phần chính trong nhà có thể thấy được dấu ấn cá nhân của gia chủ, hơn là nhồi nhét các vật dụng, dù hiện đại đắt tiền. Ví dụ một loại cây gia chủ thích, vài bức tranh thể hiện cá tính riêng đặt trong khoảng sỏi đá nhẹ nhàng… sẽ giúp ngôi nhà dù là rất nhỏ vẫn có cá tính riêng mà theo phong thuỷ là sẽ giúp giao hoà thiên–địa–nhân tốt hơn.

Dĩ nhiên, những gợi ý trên đây của chúng tôi chỉ mang tính tham khảo và định hướng, còn giải pháp cụ thể thì gia chủ cần gặp gỡ trực tiếp các nhà chuyên môn để được tư vấn – thiết kế – xây dựng theo đúng bài bản, tránh các lãng phí phát sinh không cần thiết và có được ngôi nhà như ý.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây