Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan nhà nước ra quy định pháp luật lùi thời hạn hợp thức hóa nhà, đất mua bằng giấy tay.
Theo quy định tại Nghị định 84 năm 2007, những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay (chưa hoàn thành các thủ tục về chuyển nhượng) trước ngày 1/7/2004 (thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực) đều được cấp giấy chủ quyền nhà, đất mà không phải làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định.
Cũng theo nội dung của Nghị định này, bắt đầu từ ngày 1/1/2008, người sử dụng đất muốn thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất buộc phải có giấy chủ quyền.
Điều này cũng có nghĩa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng thì mới được pháp luật công nhận.
Theo tinh thần này, Nghị định 43 năm 2014 hướng dẫn Luật đất đai 2013 cũng 'chốt' thời hạn cuối cùng để chấp nhận việc chuyển nhượng đất bằng giấy tay là trước thời điểm 1/1/2008.
Nhưng sau đó, Nghị định 01 lại lùi thời hạn chấp nhận việc chuyển nhượng bằng giấy tay đến thời điểm 1/7/2014 (ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực).
Do chủ đất dù đã bán đất nhưng lại thế chấp sổ đỏ cũ ở ngân hàng nên những người dân
sống tại khu đất đường Ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn
(Tp.HCM) dù đã mua đất từ lâu vẫn không được làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Ảnh: D.Phan
Theo một cán bộ của Bộ Tài nguyên và môi trường, hiện cả nước còn khá nhiều nhà, đất không đủ điều kiện cấp giấy hồng. Trong đó, đa phần là các trường hợp không đủ điều kiện do mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/1/2008.
Do đó, việc lùi thời hạn hợp thức hóa chuyển nhượng đất bằng giấy tay sẽ giúp giải quyết được lượng lớn số nhà, đất chưa đủ điều kiện cấp giấy hồng, đồng thời thực hiện mục tiêu cơ bản cấp xong giấy hồng mà Chính phủ giao.
Yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy hồng cho người dân mà Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra cũng là một trong những điều kiện để người dân có thể thực hiện dễ dàng các thủ tục chuyển nhượng một cách hợp pháp, chấm dứt tình trạng mua bán giấy tay.
Cũng theo vị cán bộ trên, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương về thủ tục hủy toàn bộ hoặc một phần giấy chủ quyền đất của chủ đất cũ.
Trước thời điểm 1/7/2014 - khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, thủ tục cấp giấy hồng cho nhà đất chuyển nhượng bằng giấy tay cũng đã được thực hiện theo hướng dẫn của nghị định 84 năm 2007. Nhờ đó đã giải quyết được rất nhiều trường hợp chủ đất bán một phần hoặc toàn bộ thửa đất của mình cho một hay nhiều người nhưng vẫn giữ giấy hồng, giấy đỏ của cả thửa đất lớn, thậm chí chủ đất không hợp tác với cơ quan chức năng để làm thủ tục chuyển nhượng sang tên cho người mua.
Cụ thể, trường hợp chủ cũ thửa đất đã bán hết khu đất thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định hủy giấy chủ quyền cũ, còn nếu chủ cũ chỉ bán một phần thì phải làm thủ tục chỉnh lý biến động trên giấy cũ. Tất cả các thủ tục đều được thông báo cho chủ đất cũ đăng báo trong vòng 30 ngày và niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường nơi có đất.
Tuy nhiên, sau khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, do việc hướng dẫn thủ tục chưa rõ ràng nên thủ tục cấp giấy chủ quyền cho những trường hợp như trên không còn được thực hiện. Đây là lý do khiến hồ sơ giải quyết cho các trường hợp này tồn đọng nhiều, đặc biệt tại các quận, huyện vùng ven, đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ...
Trước sự bức xúc của người dân, Sở Tài nguyên và môi trường Tp.HCM đã có văn bản nêu vấn đề này gửi Tổng cục Quản lý đất đai vào tháng 11/2016. Theo đó, Sở đề xuất thủ tục tương tự như thủ tục theo nghị định 84 trên đồng thời có những biện pháp bảo đảm quyền của chủ đất cũ trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên đến thời điểm này Bộ Tài nguyên và môi trường vẫn chưa có phản hồi.
Tác giả bài viết: VietHome
Nguồn tin: Tuổi Trẻ Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn